(VOV5) - Tại cuộc họp ứng phó với bão Wutip, trưa 29/09, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý đây là cơn bão rất nguy hiểm, do cường độ mạnh và trái với thông thường là thể duy trì lâu chứ không suy yếu ngay trên đất liền. Sau đó, miền Trung vừa là nơi chịu ảnh hưởng mưa bão, nhiều nơi lại vừa bị ngập úng, kết hợp triều cường sẽ gây nguy hiểm lớn cho khu vực. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng liên quan huy động đủ lực lượng cần thiết để chủ động đối phó với cơn bão, xác định cấm biển khu vực miền Trung, tổ chức neo đậu, chằng chống kỹ tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Kiểm tra an toàn hồ đập, công trình đang thi công, đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả cắt lũ. Những hồ yếu cần có biện pháp cụ thể để kiểm soát, xử lý đặc biệt. Các địa phương trong khu vực ảnh hưởng của bão đến 9h sáng 30/9 phải hoàn thành việc sơ tán dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, xung yếu, đặc biệt là vùng ven biển và phía Tây các tỉnh miền Trung.
Trong khi đó, các địa phương khu vực miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cũng đã cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi và hỗ trợ ngư dân chằng néo tàu thuyền, đảm bảo an toàn. Khoảng 50 nghìn tàu thuyền với gần 250 nghìn lao động ở khu vực miền Trung đã được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động trú tránh.
|
Ngay trong sáng 29/09, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng tổ chức họp khẩn để triển khai phương án đối phó với cơn bão. Ông Lê Duy Vọng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, cho biết: “Hiện nay chúng ta đã liên hệ với tất cả các tàu thuyền trên biển và tất cả đã vào bờ an toàn thì chúng ta chỉ thực hiện việc tổ chức ở bờ cho an toàn. Phó Chủ tịch thành phố đã chỉ đạo cho lực lượng Biên phòng phối hợp với các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Liên chiểu để hỗ trợ cho nhân dân đưa các phương tiện công suất nhỏ lên bờ còn các phương tiện công suất lớn, tàu to chỉ đạo ngay trong sáng nay phải đưa vào trú tránh trong âu thuyền tránh bão”.
Còn tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, sáng 30/09, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã yêu cầu các địa phương và các đơn vị tổ chức trực ban, kiểm tra các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn; Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Tại khu khu vực bờ biển bị sạt lở ở xóm Gềnh, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, sóng biển dâng cao có nguy cơ mở cửa biển mới và chia cắt hơn 50 hộ dân. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “ Để đối phó cơn bão Wutip, xã có kế hoạch dI dời cho khu vực xung yếu mà đặc biệt là khu vực có nguy cơ mở cửa biển, số lượng di dời dự kiến 56 hộ với khoảng 220 khẩu,và xã đang làm công tác vận động,nếu ngày mai có lệnh của tỉnh hoặc thị xã thì chúng tôi sẽ tổ chức để đưa bà con nhân dân vào trú ẩn”.
Tại Quảng Trị, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương, đến 17 giờ hôm nay phải hoàn thành công tác sơ tán dân vùng nguy hiểm đến nhà cao tầng, trụ sở cơ quan trường học.
PV/VOV-Miền Trung.