Miền Trung sẵn sàng sơ tán dân, chủ động đối phó với cơn bão số 11 (bão Nari)

(VOV5) -Trước diễn biến phức tạp của bão số 11 (bão Nari), ngày 14/10, tại miền Trung, hai đoàn công tác Chính phủ do Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Trưởng ban phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã đi trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão.

Miền Trung sẵn sàng sơ tán dân, chủ động đối phó với cơn bão số 11 (bão Nari) - ảnh 1
Phó Thủ tướng kiểm tra tại cảng Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi

Theo kế hoạch, Ban chỉ đạo tiền phương phòng chống bão Nari được thành lập tại thành phố Đà Nẵng

Trước đó, sáng 14/10, các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Phú Yên tổ chức họp khẩn bàn phương án phòng tránh bão Nari và  lên kế hoạch sơ tán dân vùng xung yếu, ven sông, ven biển, vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở núi đến nơi an toàn. Các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có thông báo, hướng dẫn cho hơn 44 nghìn 300 tàu thuyền với hơn 180 ngàn lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão Nari để chủ động trú tránh. 

Tại khu vực Quần đảo Hoàng Sa và khu vực giữa Biển Đông có 3 tàu với 40 lao động của tỉnh Bình Định đang trên đường vào bờ tránh trú bão. Sáng 14/10, tại các tỉnh miền Trung đã có mưa to, gió lớn. Rút kinh nghiệm từ những cơn bão trước, ngay khi nhận được thông tin bão Nari, người dân các địa phương tập trung chằng chống nhà cửa, lôi kéo tàu thuyền nhỏ lên bờ tránh bão.

Ngay trong ngày 14/10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh, thành phố miền Trung đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống bão 11 tại những vùng xung yếu. 

Đến nay, hầu hết các tàu thuyền hoạt động trên biển đã vào bờ trú tránh bão, hoặc di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hiện, công tác sơ tán dân vùng thấp trũng, sạt lở ven sông, ven biển, vùng nguy cơ lũ quét, lở núi cũng đang được các địa phương gấp rút triển khai.

Miền Trung sẵn sàng sơ tán dân, chủ động đối phó với cơn bão số 11 (bão Nari) - ảnh 2
Mưa gió do ảnh hưởng của bão số 11 tại Đà Nẵng

Để đối phó với Bão số 11 Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo chính quyền các huyện ven biển phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh kêu gọi tàu thuyền khẩn trương tránh bão.

Đến chiều nay, tất cả 3.900 tàu thuyền,với 14.145 lao động của Hà Tĩnh đã nắm được thông tin về bão số 11 và đã vào bờ trú ẩn... 

Tại Cửa Sót huyện Lộc Hà, Cửa Nhượng huyện Cẩm Xuyên và Cảng Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, lực lượng Biên phòng phối hợp với chính quyền các địa phương đã giúp bà con ngư dân chằng néo tàu thuyền không để va đạp làm hư hỏng. Các huyện ven biển cũng đã chủ động phương án sơ tán ở các khu vực có nguy cơ bị triều cường, nước dâng.

Các xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà đã huy động hơn 1.000 người gồm các lực lượng: quân đội, công an, bộ đội biên phòng, người dân địa phương cùng xe ô tô, hàng ngàn bao tải cát để tiến hành đắp, gia cố tuyến kè chắn sóng biển ở xã Thạch Kim. Đây là tuyến kè xung yếu đã bị bão số 10 làm hư hỏng.

Hà Tĩnh có gần 350 hồ đập lớn nhỏ, hiện nay, hầu hết các hồ chứa đã tích đầy nước, nếu tiếp tục mưa lớn, nguy cơ mất an toàn đập là rất cao, đặc biệt là một số hồ chứa nhỏ đã xuống cấp.

Đối với các hồ có cửa điều tiết sâu như: Sông Rác, Kim Sơn, Sông Trí và Tàu Voi, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh đã giao cho Ban quản ký các công trình tổ chức lực lượng ứng trực, chủ động xả lũ đảm bảo đúng quy trình; Hiện tại Kẻ Gỗ đang tiến hành xả lũ, theo đó các địa phương đã triển khai phương án sơ tán dân vùng xung yếu, vùng hạ du nếu bão số 11 gây mưa lớn trên diện rộng.

Từ trưa nay, tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, trời mưa rất to, gió giật mạnh, biển động dữ dội đã làm tốc mái 2 nhà dân, làm ngã đổ hàng trăm cây xanh, gần 200 ha hành của người dân bị ngập úng, nguy cơ mất trắng.

Hiện huyện Lý Sơn đã chỉ đạo các xã sơ tán khẩn cấp người dân vùng nguy cơ sạt lở và triều cường xâm thực. Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Nam cũng đã sơ tán được hơn 7.300 hộ, với gần 22 nhân khẩu…. người dân đến nơi an toàn.

Ông Huỳnh Tấn Triều, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Namcho biết, địa phương đã hỗ trợ cho các xã mua xăng dầu, nhu yếu phẩm để người dân chủ động phòng tránh bão: “Huyện đã tăng cường hỗ trợ các phương tiện áo phao, đèn dầu để phục vục cho công tác phòng chống lụt bão. Phân công các thành viên Ban chỉ huy phòng chống lụt bão  xuống các cơ sở đứng cắm. Về kinh phí hỗ trợ mỗi địa phương 5 triệu để chi phí trước mắt. Ban quản lý sông Tranh phối hợp với huyện công trình xả lũ có thông báo trước cho địa phương ít nhất 2 tiếng đồng hồ để thông báo cho các xã và cho bà con nhân dân biết trước phòng tránh vấn đề xả lũ của các thủy điện”.

Đến 19h tối 14/10, tỉnh Quảng Trị hoàn tất việc di dời 2.000 hộ với hơn 13.000 nhân khẩu đến nơi an toàn. 

Ông Hồ Thanh Hải, Chi cục phó Chi cục thủy lợi phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết: “Các đoàn đang tiến hành di dời dưới địa phương, tối nay di dời các hộ nằm trong khu vực nguy hiểm. Đồng thời chúng tôi chỉ đạo kiểm tra một số hồ chứa mà có nguy cơ, có khả năng xung yếu. Rút kinh nghiệm bão số 10 bà con đã chằng chống nhà cửa. Tinh thần là chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm cho một tuần, dự kiến sau trận bão này sẽ có trận lũ lớn”.

Rút kinh nghiệm những cơn bão trước, ngay khi nhận thông tin bão số 11 đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh trung trung bộ, người dân các tỉnh miền Trung đã tạm ngừng việc kinh doanh, buôn bán, khẩn trương chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Tại thành phố Đà Nẵng, từ sáng đến nay, các xe lưu động đi dọc các tuyến phố, khu dân cư liên tục thông báo diễn biến bão số 11. Các đơn vị quân đội, công an trên địa bàn đã cử cán bộ, chiến sỹ xuống các địa bàn giúp dân đối phó với bão. 

Ông Lê Lê Tấn Thành, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho biết: “Riêng Trung đội dân quân cơ động đã triển khai 1 tiểu đội xuống các tổ dân phố tổ chức chèn chống nhà cửa đưa các tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, phối hợp với các lực lượng khác trợ giúp các trường sắp xếp lại phòng ốc để chuẩn bị sơ tán dân đảm bảo an toàn”./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác