Ngày thế giới phòng chống bom mìn – Hướng tới một thế giới an toàn hơn

(VOV5) – Ngày 04/4, Liên hợp quốc kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống bom mìn trong bối cảnh xung đột, bạo lực và đổ máu tiếp diễn ở nhiều nước khiến hậu quả của bom mìn sẽ còn kéo dài nhiều thập kỷ nữa. Nhân ngày này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon gửi thông điệp kêu gọi tất cả các nước trên thế giới tiếp tục thực hiện nghiêm túc những cam kết quốc tế về phòng chống bom mìn để xây dựng một thế giới an toàn hơn. Chiến lược hành động của Liên hợp quốc về phòng chống bom mìn giai đoạn 2006 đến 2011 đặt các mục tiêu như: giảm ít nhất 50% số thương vong vì bom mìn; giảm nguy cơ cho cộng đồng, mở rộng tự do đi lại cho ít nhất 80% những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất; xây dựng kế hoạch tái thiết và phát triển cho ít nhất 15 nước và hỗ trợ phát triển các tổ chức quốc gia để kiểm soát chất nổ sau chiến tranh, đồng thời tăng cường khả năng ứng phó với bom mìn cho ít nhất 15 nước trên thế giới.

Ngày thế giới phòng chống bom mìn – Hướng tới một thế giới an toàn hơn - ảnh 1
Ảnh minh họa.


Tại Việt nam, công việc rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Từ năm 1975 đến năm 2000, Việt Nam đã có trên 42 nghìn 130 người tử vong, hơn 62 nghìn 160 người bị thương tật do bom mìn, vật nổ. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là những lao động chính trong gia đình và trẻ em. Diện tích ô nhiễm bom mìn là 66 nghìn km2, chiếm hơn 20% diện tích cả nước, chưa kể vùng biển. Tính đến nay, mới chỉ có khoảng 20% lượng bom, mìn đã được rà phá. Mỗi năm, có khoảng 20 nghìn hécta đất được rà phá chủ yếu bằng ngân sách nhà nước. Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Bùi Hồng Lĩnh, nhấn mạnh: “Việc rà phá bom mìn là công việc hết sức vất vả, nguy hiểm và nguồn lực cần cho công việc này cần rất lớn. Trước mắt, Chính phủ và Ban chỉ đạo 504 có chủ trương cố gắng tập trung giải quyết ô nhiễm bom mìn ở những diện tích phát triển kinh tế, ổn định dân cư. Chúng tôi trong Ban Chỉ đạo rất mong muốn các phương tiện thông tin đại chúng, các ngành, các cấp cùng chung sức tuyên truyền, vận động, kêu gọi mỗi người đều chung tay hỗ trợ vấn đề này”

 Việt Nam sớm hoàn thành công tác điều tra, khảo sát, đánh giá tác động, lập bản đồ, khoanh vùng khu vực ô nhiễm bom mìn trên toàn quốc; xây dựng bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thiết lập cơ sở quản lý dữ liệu liên quan, có tổng hợp thống kê hàng năm./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác