(VOV5) - Đó là là chủ đề tọa đàm do Báo Nhân dân tổ chức ngày 17/6 tại Hà Nội.
Tại tọa đàm, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, các thế hệ nhà báo Báo Nhân dân cùng làm rõ những luận điểm quan trọng của Hồ Chí Minh về đường lối cách mạng; xây dựng Đảng; đạo đức cách mạng, đạo đức, nhân cách người làm báo cách mạng; văn phong báo chí Hồ Chí Minh... từ những bài viết cụ thể của Người trên Báo Nhân dân.
|
Ông Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc buổi tọa đàm. Ảnh: nhandan.com.vn |
Với Báo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt ngay từ khi báo ra đời ngày 11/3/1951. Người đã viết hơn 1.200 bài với trên 30 bút danh khác nhau, trong đó chủ yếu là bút danh Nhân Dân. Nhà báo Thuận Hữu, Tổng Biên tập báo Nhân dân, nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng đồng thời cũng là một nhà báo lớn, nhà báo chuyên nghiệp. Người sáng lập và rèn luyện, chỉ đạo nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bản thân Người cũng là người thày của báo chí cách mạng. Ở bất kỳ đề tài nào thì văn phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất giản dị, trong sáng và dễ hiểu. Chính điều đó đã góp phần làm nên phong cách báo chí Hồ Chí Minh hay nhiều nhà khoa học gọi là văn hóa báo chí Hồ Chí Minh”.
Cũng tại buổi tọa đàm, Báo Nhân Dân giới thiệu Tập 1 của cuốn sách trong bộ sách quý “Những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Nhân Dân”. Bộ sách gồm ba tập, tập 1 (1951 - 1954), tập hợp 359 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó 134 bài lần đầu được tuyển chọn mà trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập chưa có. Hai tập còn lại sẽ tiếp tục ra mắt độc giả trong thời gian tới. Bộ sách là tư liệu quý, không chỉ cần thiết cho các cán bộ phóng viên Báo Nhân Dân mà còn cho báo chí nói chung, giúp hệ thống và làm sâu sắc hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh trên báo chí.