(VOV5) - Tiếp tục các hoạt động của Festival Huế 2012, sáng 11/4, tại Quảng Trường Ngọ Môn diễn ra Liên hoan diều quốc tế với chủ đề “Những cánh bay Việt Nam lần thứ VII; chiều cùng ngày, tại cái địa điểm di tích của Kinh thành Huế, trên các tuyến đường chính của Thành phố Huế diễn ra các hoạt động đường phố, nơi các đoàn nghệ thuật trong, ngoài nước biểu diễn miễn phí cho người dân và du khách; lúc 20h tại Di tích Bia Quốc học Huế diễn ra đêm thứ 2 của “Lễ hội áo dài” với chủ đề “Hoa sen trong hội họa”.
|
Trước đó, vào chiều tối 10/4, tại Nghinh Lương Đinh, bên bờ Sông Hương của Thành phố Huế, diễn ra “Lễ hội Trống và các Nhạc cụ gõ quốc tế”. Với chủ đề tôn vinh hào khí dân tộc Việt Nam qua tiếng trống, chương trình là nơi hội tụ tinh hoa của nghệ thuật âm nhạc qua những màn biểu diễn mang âm hưởng đặc trưng của các dàn trống và bộ gõ tới từ địa phương trong nước và quốc tế. 12 đoàn trống tham gia biểu diễn trên sân khấu chính được thiết kế thành hình tròn mang hoa văn trống đồng Đông Sơn, cùng dàn trống hội gồm 100 chiếc, tượng trưng cho 100 người con huyền thoại của Lạc Long Quân – Âu Cơ đã xây dựng nên đất nước Văn Lang – tiền thân của Việt Nam ngày nay.
|
Nghệ sỹ Lê Quý Dương, Đạo diễn chương trình, cho biết “Âm vang hào khí Việt” là tinh thần cốt lõi được truyền tải qua các nốt trầm hùng của tiếng trống đồng từ thuở Vua Hùng dựng nước, tiếng vang đầy sinh khí của trống trận khi Vua Quang Trung khởi nghĩa, hay tiếng trống chèo thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước của dân tộc Việt Nam từ bao đời nay... Bên cạnh đó là sự hưởng ứng của các tiếng trống đến từ các nước bạn trong khu vực, như Taiko của Nhật Bản, Janggu của Triều Tiên và Bata của Nam Phi. Theo ông Lê Quý Dương, lễ hội sẽ mang đến cho công chúng và du khách một thế giới tâm hồn rất phong phú của người Việt Nam. Tiếng trống gắn với tâm linh người Việt, với trời đất, gắn với khát vọng của con người… chính vì vậy điều đó sẽ chạm đến những cảm xúc của du khách khi đến với Festival Huế năm nay. Tuy chưa nhiều đoàn biểu diễn trống chưa góp mặt ở Lễ hội này nhưng những âm thanh nổi bật nhất, độc đáo nhất của dân tộc VN như tiếng trống đồng Đông Sơn, tiếng trống Cung đình Huế, tiếng Cồng chiêng Tây Nguyên, tiếng trống trận Tây sơn… đã có mặt tại lễ hội này và tôi hy vọng những năm tiếp theo sẽ có nhiều âm thanh hơn nữa đến từ khắp các tỉnh thành của VN.
Thông qua lễ hội này, Ban tổ chức cũng mong muốn phát động phong trào “Tiếng trống đón em đến trường” nhằm quyên góp trống giúp đỡ những trường học còn khó khăn trên khắp VN. Sau lễ hội, Ban tổ chức sẽ tặng 50 chiếc trống đầu tiên cho các trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế./.