Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

(VOV5) - Sáng 19/5, tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 123 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh(19/5/1890-19/05/2013) và tuyên dương các gương học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đọc diễn văn tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Đua, phó Bí thư thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP.HCM đã ca ngợi công ơn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã giành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh người là tấm gương sáng chói, soi đường, dẫn lối cho các thế hệ người Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh:  “Đảng bộ và nhân dân thành phố mang tên Người nguyện mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đảng bộ chính quyền và nhân dân thành phố quyết xứng đáng hơn nữa thành phố mang tên chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục phát huy cao độ truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, kiên định con đường XHCN, nỗ lực phấn đấu, chủ động nắm bắt thời cơ vượt qua thách thức giữ vững ổn định xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng với tốc độ cao hơn cả nước. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng TPHCM văn minh hiện đại”.

Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 1
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (phải) trao bằng khen cho các cá nhân điển hình - Ảnh: Diệp Đức Minh

Dip này, các đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh. Tại Thủ đô Hội Nội, hàng vạn lượt người từ mọi miền Tổ quốc về Thủ đô vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức buổi tọa đàm dành cho sinh viên với chủ đề “Bác Hồ với tầng lớp trí thức trẻ trong phong trào giải phóng dân tộc”. Tại buổi tọa đàm,  Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Xanh phân tích về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sử dụng tầng lớp trí thức trẻ trong phong trào giải phóng dân tộc. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc sử dụng tầng lớp trẻ trong phong trào giải phóng dân tộc vẫn có ý nghĩa thời sự trong công cuộc xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay. Trước đó, tối 18/5, Bộ Công an tổ chức Lễ tuyên dương 171 thanh niên công an tiên tiến làm theo lời Bác, giai đoạn (2008-2013).

Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 2

Ngày 19/5, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và tỉnh tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Ngày hội nhân ái vì sức khỏe cộng đồng năm 2013. Nét mới của Ngày hội nhân ái vì sức khoẻ cộng đồng năm 2013, đó là Ngày hội Nhân ái sẽ được tổ chức chỉ trong một ngày 19/5 và tại hầu hết các huyện trong toàn quốc. Thông qua Ngày hội, nhằm tăng cường nhận thức về chăm sóc sức khoẻ cho người dân; hướng mạnh đến các hoạt động vì an sinh xã hội, cổ vũ tinh thần sống đẹp vì cộng đồng trong các tầng lớp thanh niên.

Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18/5, tại núi Cấm, thuộc thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ đặt phiến đá đầu tiên xây dựng Tượng Đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH). Công trình Tượng Đài Bà mẹ VNAH lấy nguyên mẫu Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, người mẹ quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, thọ 106 tuổi có 9 con đẻ, 1 con rể và 1 cháu ngoại đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tượng đài được xây dựng bằng chất liệu đá có hình cánh cung dài 101m, chân dung mẹ đặt chính giữa có chiều cao 18m, phần thấp nhất của cánh cung cao 5,85m và “tám trụ huyền thoại”, mỗi trụ cao 9m, đường kính 1,2m. Bên trong tượng đài là nhà tưởng niệm ghi danh gần 50.000 Mẹ VNAH cùng khu trưng bày các tác phẩm văn học nghệ thuật và các tư liệu khác về đề tài mẹ Việt Nam. Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị xã hội đặc biệt quan trọng, thể hiện tính nhân văn và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhận công lao và sự hy sinh to lớn của các thế hệ Mẹ Việt Nam anh hùng cả nước trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trong chặng đường bôn ba, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm đường cứu nước, quãng thời gian Người đến Liên Xô lần đầu tiên, học tập và hoạt động trong Quốc tế cộng sản với tên lúc đó là Nguyễn Ái Quốc có ý nghĩa rất quan trọng. Nhân kỷ niệm lần thứ 123 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hướng tới kỷ niệm tròn 90 năm Người đến Liên Xô lần đầu tiên vào ngày 30/6/1923, trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài TNVN thường trú tại Liên bang Nga, Nhà Việt Nam học Evgheni Kobelev, nhấn mạnh đến những dấu ấn Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trên quê hương Cách mạng Tháng Mười. Ông Kobelev nhớ lại: “ Khi đến Liên Xô thì Hồ Chí Minh là thành viên của Đảng Cộng sản Pháp, còn ở Đảng Cộng sản Pháp, Người phụ trách công việc của Ban Đông Dương. Bởi thế, nhìn chung, trong con người Hồ Chí Minh thời đó đã mang một quyết tâm là làm thể nào để giải phóng Việt Nam khỏi ách đô hộ của Thực dân Pháp. Nhưng khi đó kiến thức của Người còn chưa đầy đủ. Và khi Người đến Moscow, nhất là từ khi Người đã làm việc tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản hơn 1 năm (từ tháng 10/1923) và học tại Đại học Phương Đông từ tháng 3/1924... thì kiến thức của Người về cách làm thể nào để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của thực dân đã hình thành và hoàn thiện. Như vậy, có thể nói, sau hơn 1 năm rưỡi có mặt tại Liên Xô, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, một người cộng sản... đã có những kiến thức cơ bản về việc thế nào là đấu tranh cách mạng, vì mục tiêu gì mà tiến hành đấu tranh. Sau đó, vào những năm 1925 - 1926 Người đã làm việc trong nhóm những nhà cách mạng Việt Nam để rồi sau đó, vào năm 1930 thành lập nên chính Đảng của các nước Đông Dương”.

Ông Kobelev cho biết trong phòng khách của gia đình, ông xây dựng một không gian Việt Nam, trong đó không thể thiếu bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông được tặng trong một dịp dự hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh và những cuốn sách viết về Hồ Chí Minh được xuất bằng cả tiếng Nga, tiếng Việt cũng như các thứ tiếng khác.

Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh 3
Đoàn dâng hương trước bàn thờ Bác. (Ảnh: Hoàng Chương/Vietnam+)

Dịp này, cộng đồng người Việt ở các nước như Vương Quốc Anh, CHDCND Lào... cũng tổ chức các hoạt động dâng hoa; dâng hương kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh tổ chức Giao lưu hữu nghị sinh viên Việt-Trung. Phát biểu tại buổi giao lưu, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ, cho biết trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian dài sinh sống và hoạt động tại Trung Quốc. Chính trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chủ tịch Mao Trạch Đông, vun đắp nên mối tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước Việt-Trung. Giáo sư Cốc Nguyên Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc-chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam, cho biết sở dĩ ông chọn học tiếng Việt Nam từ thời sinh viên bởi vì tình yêu và lòng kính trọng của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam:   “Năm 1962 có đoàn đại biểu cấp cao của Trung Quốc đến thăm Việt Nam và Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức tiệc chiêu đãi rất lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, đó là lần đầu tiên tôi được gặp Người. Cảm giác rất ấm áp và cho đến bây giờ hình ảnh đó vẫn không phai mờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là người bạn thân thiết nhất của nhân dân Trung Quốc chúng tôi”.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác