Dù đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng với NSƯT Lê Thu, Đài Tiếng Nói Việt Nam vẫn luôn là nơi mà bà nguyện gắn bó suốt cả cuộc đời.
Bà Đào Thị Đoan, nay là NSƯT Lê Thu trước đây là cán bộ công an biệt phái. Năm 1954 bà được biệt phái về Đài và việc trở thành diễn viên hát đã đến với bà như một cơ duyên. 37 năm gắn bó với Đài cũng là quãng thời gian dài để bà chiêm nghiệm, thử sức và góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của Đài.
Với những đóng góp xuất sắc của mình, NSƯT- Diễn viên hát Lê Thu đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ ưu tú” nhân dịp kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua khi bà đã về hưu được 24 năm.
PV: Cơ duyên nào đã đưa bà đến công tác và hoạt động tại Đài, thưa NSƯT Lê Thu?
NSƯT Lê Thu: Trước đây, tôi là một chiến sỹ công an. Vào Đài, tôi chỉ là cán bộ được biệt phái sang công tác chứ không phải là người của Đài. Sau một thời gian hoạt động, các cán bộ trong Đài nói tôi có thể thử giọng. Sau khi tôi thử giọng, các đồng chí ấy nói rằng chất giọng của tôi có thể làm phát thanh viên được và họ yêu cầu tôi đọc các chương trình nhằm kêu gọi tiền chiến, kêu gọi các binh lính ra sức chiến đấu nhằm mang lại hòa bình cho Tổ quốc.
Chị Dương Thị Ngân chính là người đã trực tiếp hướng dẫn và từng bước chỉ bảo cho tôi khi tôi bước vào nghề. 3 năm đầu công tác trong Đài, tôi vừa là phát thanh viên, vừa là diễn viên hát. Thời đó không có nhiều người hát mà chỉ có khoảng 6 hoặc 7 người thôi. Tôi thường được giao thể hiện những bài hát mang tính dân tộc.
Công tác trong Đài, mọi người thường hay trêu tôi rằng "cô bé này người dân tộc nhưng cái gì cũng biết". Được đào tạo ở Đài, tôi phải học hỏi, làm việc tích cực để vừa đảm bảo nhiệm vụ của một chiến sĩ công an vừa làm tốt công tác cán bộ Đài giao cho.
|
NSƯT Lê Thu
|
PV: Vậy lý do nào khiến bà theo nghiệp diễn viên hát chứ không phải là vị trí nào khác trong Đài?
NSƯT Lê Thu: Nghiệp diễn viên hát đến với tôi như một cơ duyên. Ngày đó, một chuyên gia Nga đã sang Việt Nam để chọn ra những người có năng khiếu hát để bồi dưỡng, huấn luyện và đào tạo thêm và thật sự rất may mắn khi tôi đã trở thành một trong những người được chọn đó.
Tôi là người có chất giọng an-tô, mà chị biết đấy chất giọng an-tô trước đây thường rất hiếm, không có nhiều, chính vì thế từ đó tôi đã quyết định bén duyên với nghiệp diễn viên hát và nghiệp đó đã theo tôi đến khi về hưu, thậm chí đến suốt cả cuộc đời.
PV: 37 năm gắn bó với Đài, vậy bài hát nào là bài hát đầu tiên của bà trên làn sóng phát thanh?
NSƯT Lê Thu: 37 năm gắn bó với Đài cũng là 37 năm tôi được tham gia đóng góp sức mình trong sự nghiệp phát triển của Đài cũng như của bản thân. “Tình ca Tây Bắc”, “Cô giáo Tày” và “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi” chính là những bài hát đầu tiên của tôi được thu trên làn sóng phát thanh. Có lẽ nhắc đến tôi, mọi người cũng vẫn sẽ nhắc đến các bài hát đó- những bài hát đã làm nên “tên tuổi” của tôi.
PV: Trong suốt quá trình công tác và hoạt động tại Đài, kỷ niệm nào khiến bà nhớ nhất?
NSƯT Lê Thu: Khoảng thời gian 37 năm công tác trong Đài, có hai kỷ niệm làm tôi nhớ mãi. Đó là những kỷ niệm vừa vui, vừa buồn mà suốt cuộc đời này có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được.
Kỷ niệm đầu tiên làm tôi nhớ mãi chính là những lần tôi được gặp Bác Hồ. Mỗi năm ít nhất 3 lần tôi cùng Nghệ sỹ Như Hoa đều được vào thăm Bác. Có một lần, chúng tôi dự định vào thăm Bác rồi sẽ trò chuyện, hát hò và ngâm thơ để Bác nghe. Thế nhưng, khi chúng tôi vào đến nơi, Bác nói rằng thôi, "hôm nay Bác cháu mình kể chuyện cho nhau nghe nhé". Thế rồi, buổi trò chuyện giữa Bác và chúng tôi đã diễn ra thật vui vẻ và hạnh phúc.
Lúc đó, Bác đã nảy ra ý định thử tôi xem tôi có phải là người Tày không. Bác hỏi tôi bằng tiếng Tày rằng tôi bao nhiêu tuổi, tôi có mấy người con và tôi đã trả lời lại Bác bằng chính thứ tiếng của người Tày- nơi tôi sinh ra và lớn lên ở đó. Và Bác còn hỏi tôi rằng tôi có biết tiếng Then không, Bác thích được nghe hát tiếng Then lắm, thế rồi tôi đã xin phép Bác để được hát những lời thơ của Bác bằng tiếng Then: “Non xa xa, nước xa xa. Nào phải thênh thang mới gọi là. Đây suối Lenin, kìa núi Mác. Hai tay xây dựng một sơn hà,…”.
Khi tôi hát xong, Bác đã vỗ tay và nói rằng "đúng rồi, cháu đúng là người Tày rồi, cháu biết hát tiếng Tày, biết hát Then. Như vậy là được rồi". Cho đến bây giờ, nói thật tôi chưa bao giờ quên được những tháng ngày hạnh phúc được ở bên Bác, được trò chuyện cùng Bác.
Rồi một lần khác, Bác lại hỏi chúng tôi rằng: “Các cháu đã được vào hang Pắc Bó bao giờ chưa?” thì tôi đã trả lời rằng: “Dạ, thưa Bác, con chưa vào hang Pắc Bó bao giờ cả” thì Bác nói rằng Bác sẽ kể cho chúng tôi nghe vào hang Pắc Bó như thế nào. Bác kể rằng hang Pắc Bó lạnh lắm, nếu không đốt lửa lên thì rất lạnh. Sau này, đã có dịp tôi được đến thăm hang Pắc Bó, tôi đã khóc rất nhiều, tôi không thể ngăn được dòng nước mắt của mình, tôi thấy cuộc sống của Bác sao mà khổ quá. Chiếc giường đơn sơ quá đỗi mộc mạc, nói là giường nhưng thực chất đó chỉ là hai mảnh ván ghép lại. Thành ra, đó chính là những tình cảm mà tôi không bao giờ quên được.
Còn kỷ niệm thứ hai làm tôi nhớ mãi đó chính là những người bạn đồng hành công tác tại Đài cùng với tôi. Đó là những kỷ niệm buồn và tôi luôn trăn trở nhớ về. Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, chiếc xe chở đoàn diễn viên hát của Đài Tiếng Nói Việt Nam vào thăm Bác đã bị lật đổ do đồng chí lái xe ngủ gật. Chuyến xe định mệnh năm đó đã lấy đi của chúng tôi hai người đồng nghiệp, họ đã ra đi mãi mãi và không bao giờ trở về nữa. Tôi luôn trăn trở và nhớ về họ- những người bạn, những người đồng nghiệp đã cùng chúng tôi bước đi trên con đường nghệ thuật gian nan.
|
NSƯT Lê Thu (trái) trong lần gặp mặt Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
|
PV: Về hưu đã 24 năm,với một người công chức bình thường thì việc về hưu không có gì đáng kể nhưng với một người nghệ sỹ như bà thì chắc hẳn sẽ cảm thấy rất “hẫng”?
NSƯT Lê Thu: Mặc dù về hưu đã rất lâu rồi nhưng tôi vẫn gắn bó với Đài, vẫn dồn tâm huyết của mình để phục vụ Đài. Hiện tại, tôi vẫn làm Cộng tác viên cho Đài và các chương trình của Hội chữ thập đỏ, làm Uỷ viên trong BCH của Thành phố Hà Nội cũng như các hoạt động từ thiện khác nên tôi cảm thấy mình không bị “hẫng”.
Tôi làm từ thiện cho những người nghèo, cho các nạn nhân chất độc màu da cam, cho các cháu học sinh, sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vươn lên học giỏi. Cho nên, đối với tôi, dù đã về hưu nhưng các hoạt động công tác xã hội vẫn luôn lôi cuốn tôi khiến tôi không có cảm giác mình như “người thừa” vậy. Tôi vẫn đam mê các hoạt động nghệ thuật, vẫn tổ chức các chương trình biểu diễn từ thiện và chúng tôi cũng vẫn hát để kêu gọi những tấm lòng nhân ái.
PV: Giờ đây khi đã bước sang tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà đã trở thành 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của Đài được phong tặng danh hiệu NSƯT. Vậy cảm xúc của bà như thế nào khi đón nhận danh hiệu cao quý này?
NSƯT Lê Thu: Tôi cảm thấy mừng khi mình được đón nhận danh hiệu này khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tôi phải cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đài, những người bạn, người đồng chí đã luôn nghĩ và nhớ về tôi khi tôi đã về hưu được 24 năm.
Thực sự trong thâm tâm tôi luôn mong muốn rằng danh hiệu này nên để dành cho các lớp trẻ. Chính vì thế tôi đã lên gặp các đồng chí trong ban tổ chức để cho tôi được rút đơn lại, tôi không tham gia nữa. Lúc đó, một đồng chí trong ban đã nói rằng bây giờ Đảng và Nhà nước mới xét đến những người về hưu. Họ nói rằng mặc dù đã về hưu nhưng tôi vẫn tham gia làm Cộng tác viên cho Đài và còn làm các hoạt động từ thiện nữa. Cho nên, họ nói rằng tôi nên tham gia để đón nhận danh hiệu này.
Cho dù có như thế nào thì tôi cũng vẫn cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đài, cảm ơn anh em trong giới nghệ sỹ cũng như những người bạn của tôi đã luôn nhớ về tôi và dành cho tôi những tình cảm thân thương nhất.
Có lẽ, Đài Tiếng Nói Việt Nam chính là nơi mà tôi sẽ gắn bó suốt cả cuộc đời.
PV: Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
Kim Dung/ VOV Online