Đây là đoạn viết trong bài báo có tựa đề “Cấy chỉ, hy vọng cho những phụ nữ muốn sinh con” về bác sỹ Lê Thúy Oanh, một gương mặt trí thức trong cộng đồng người Việt Nam tại Hungary của nhật báo Bors (Hungary).
Inez là một bé gái ba tuổi khỏe mạnh. Năm 2007, cha mẹ cháu tìm đến một nữ bác sỹ Việt Nam có phòng mạch tại Hungary và được bác sỹ áp dụng một phương pháp châm cứu mới mang tính “cách mạng."
|
Bác sỹ Lê Thúy Oanh. (Nguồn: Fejér Bálint) |
Trả lời báo Bors, Cseri Zsófia (thành phố Kiskunfélegyháza, miền Nam Hungary) cho biết vợ chồng cô không muốn thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm, vì nhiều người quen của họ khi tham gia chương trình này đã rất mệt mỏi về tinh thần, nhất là khi không thành công. Do đó, hai người quyết định thử một phương pháp chữa bệnh mà trước đó họ đã được nghe nhiều lời khen.
“Khi chúng tôi đến gặp bác sỹ Lê Thúy Oanh, chúng tôi nghĩ không có gì để mất. Tất nhiên chúng tôi cũng có nghi ngờ, nhưng quả thực điều thần kỳ đã đến với chúng tôi: sau một lần điều trị, tôi đã có thai” - Cseri chia sẻ.
Cseri nói cho tờ Bors rằng mỗi lần đi điều trị, cô được bác sỹ Oanh cấy chỉ vào 20-30 huyệt, kể cả vào thái dương. Sau Inez cô đã sinh bé thứ hai và đang mong chờ đứa thứ ba sẽ chào đời vào tháng Tư sang năm. “Bằng phương pháp này, tôi không chỉ có được những đứa con mà còn khỏi bệnh cường năng tuyến giáp mà trước đây một vị giáo sư 65 tuổi từng bảo tôi là 'đừng hy vọng gì nữa'."
Năm 1989, khi Hungary thay đổi thể chế, bác sỹ Oanh tới Hungary lần đầu và hiện tại, phương pháp cấy chỉ - một nhánh đặc biệt của châm cứu, do bác sỹ Oanh cải tiến và nâng cao tại Việt Nam, được bác sỹ áp dụng tại Hungary, duy nhất ở châu Âu.
“Thông qua hơn 1.200 huyệt đạo trên cơ thể, châm cứu có thể tác động tới những cơ quan nội tạng. Thậm chí, so với cách châm bằng kim truyền thống, chỉ trong cấy chỉ còn liên tục phát huy được tác dụng của mình cho đến khi nó hoàn toàn được hấp thu, do đó nó khiến quá trình chữa trị được thúc đẩy một cách hết sức tích cực,” bác sỹ Oanh tóm tắt bản chất phương pháp điều trị của chị cho tờ Bors.
Được biết, trong số bốn cuốn sách liên quan tới đề tài này của chị, đã có hai cuốn được đưa vào giảng dạy chính thức tại Đại học Y ở Việt Nam.
Không chỉ chưa vô sinh, cấy chỉ cũng đem lại thành công trong các căn bệnh tim mạch và liên quan đến sự vận động của cơ thể (nhiều khi còn hiệu nghiệm trong cả những trường hợp tưởng chừng vô vọng như điếc bẩm sinh, hoặc một số dạng bại liệt).
Tháng 5/2000, Albert László (54 tuổi, vùng Lukácsháza) bị những triệu chứng ngày càng nặng của căn bệnh bại liệt do viêm dây thần kinh và được điều trị. Bệnh nhân này kể với Bors rằng trước đây, tại viện, ông đã được các bác sỹ chữa chạy bằng cách khử khỏi máu những phần tử bị viêm nhiễm, nhưng cách điều trị này cũng chỉ khiến ông đỡ trong vòng 1-2 ngày.
“Tại cơ sở cấy chỉ Việt Nam của bác sỹ Oanh, tôi được cấy chỉ tại ít nhất là 40 huyệt đạo, trên đầu, thái dương, dọc các đốt xương sống, và giữa các ngón tay, ngón chân. Ngay sau lần điều trị đầu tôi đã thấy khỏe lên, và sau 1-2 tháng tôi đã có thể tự chống nạng tới chữa bệnh, rồi sau có thể bỏ nạng. Hiện giờ tôi làm công việc chân tay cường độ cao bên máy, mỗi ngày 12 tiếng, và tôi cảm thấy vẫn mạnh khỏe” - ông Albert kể. Hiện nay, cứ ba tháng một lần, ông vẫn từ vùng Lukácsháza xa xôi lên Budapest điều trị nhằm tăng cường hệ miễn dịch.
Một bệnh nhân xin giấu tên cho biết, sau khi bị chảy máu não, các bác sỹ đã bảo rằng không bao giờ ông có thể cử động được tay trái. Tuy nhiên, sau vài lần điều trị cấy chỉ, bệnh của ông đã thuyên giảm. Còn mẹ một cháu nhỏ bị bệnh tự kỷ thì kể rằng sau khi được điều trị, con chị điềm đạm hơn, ý thức hơn, và cử động của cháu cũng trở nên điều hòa và có sự phối hợp hơn.
Theo bác sỹ Oanh, bí quyết của thành công vì trong điều trị, y học dân tộc Phương Đông nhìn nhận cơ thể con người là một thể thống nhất, và trọng tâm là sự cân bằng. “Chúng tôi chữa bệnh bằng cách kích hoạt những nguồn năng lượng đối nghịch, cũng như giải thoát năng lượng thừa, nghĩa là tìm cách khôi phục sự cân bằng nội tại của cơ thể”./.
Theo Nguyễn Hoàng Linh/Vietnam+