Phát triển điện gió tại Việt Nam - Cơ hội và thách thức
(VOV5)- Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió, nhưng suất đầu tư của điện gió tại Việt Nam cao hơn 1,5 lần so với các loại như nhiệt điện, thủy điện… Do đó, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển điện gió ở Việt Nam.
Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo quốc tế về “Phát triển Năng lượng điện gió tại các nền kinh tế APEC” diễn ra trong 2 ngày hôm qua và hôm nay (26/11) tại Hà Nội.
|
Hội thảo “Phát triển năng lượng điện gió tại các nền kinh tế APEC” do Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức sáng ngày 25/11, tại Hà Nội - Ảnh: nangluongvietnam.vn |
Các chuyên gia nhận định Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng phát triển điện gió. Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế Phát triển sạch – Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, suất đầu tư của điện gió tại Việt Nam cao hơn 1,5 lần so với các loại như nhiệt điện, thủy điện…tức là gần 2000 USD/Kw lắp đặt.
Do vậy, thời gian qua, Chính phủ có nhiều cơ chế, chính sách quy hoạch, phát triển điện gió: “Hiện tại điện gió đang được Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ phát triển. Việc hỗ trợ đã thể hiện ở cơ chế giá, miễn giảm thuế thu nhập dn, hỗ trợ và miễn giảm phí môi trường, đất cho dự án.
Thời gian tới quy hoạch dự án ở các tỉnh tiềm năng như ở duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều tỉnh đang tìm ra các vị trí thuận lợi nhất để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư. Chính phủ cũng đã có quyết định về cơ chế hỗ trợ điện gió: EVN phải mua hết với giá cố định 7,8 cent trong 20 năm.”
Hiện tại, Việt Nam đã có một số dự án điện gió: Dự án ở Bình Thuận từ cuối 2009 đã đấu nối vào lưới điện quốc gia. Mới đây cũng có thêm dự án ở Bạc Liêu, Cà Mau… Đến năm 2030, Việt Nam sẽ sản xuất trên 6.200 MW điện gió.