Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chủ động ứng phó bão Sarika với quyết tâm cao nhất
(VOV5) - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão Sarika cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã đến tỉnh Quảng Bình họp và chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt trong những ngày tới. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN |
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 16-17. Biển động dữ dội. Trong khi đó, tại miền Trung, lũ hạ lưu sông Cả (Nghệ An) và sông La (Hà Tĩnh) tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh vào tối nay (16/10); thượng lưu sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), sông Gianh và sông Kiến Giang (Quảng Bình) tiếp tục xuống chậm.
Trước diễn biến của báo Sarika, chiều 16/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với 22 tỉnh từ Hải Phòng đến Quảng Bình để triển khai công tác ứng phó với cơn bão Sarika.
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu sự vào cuộc quyết tâm ở mức cao nhất của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhằm chủ động và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân. Phó Thủ tướng lưu ý Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, hoặc thoát ra khỏi, không đi vào khu vực nguy hiểm, khu vực ảnh hưởng lớn được xác định là từ khu vực Đông Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ (Hải Phòng đến Quảng Bình); giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa, vận hành cửa van, xả nước đón lũ đảm bảo an toàn đập, hạ du các hồ chứa đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu; Rà soát các khu vực nuôi trồng thủy sản, dân cư tại những vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch. Cùng với đó, ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ tình hình bão, mưa, lũ; chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó; kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách.