Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm và làm việc tại Mỹ

(VOV5) - Từ ngày 7 đến 11/2, Đoàn đại biểu cấp cao chính phủ Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Mỹ. Tại các cuộc gặp, hai bên hài lòng về những tiến triển sâu rộng của quan hệ Việt–Mỹ thời gian qua và trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế–thương mại, đầu tư, khoa học–công nghệ, giáo dục và đào tạo.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm và làm việc tại Mỹ - ảnh 1
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gặp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Ron Bryson. Ảnh: TTXVN


Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi các đoàn giữa chính quyền, Quốc hội và các địa phương trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ Mỹ sớm công nhận Quy chế Kinh tế thị trường và dành cho Việt Nam Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP); loại bỏ các biện pháp hạn chế thương mại đối với các sản phẩm của Việt Nam như tôm, cá tra, cá ba sa, mật ong, tụ điện gió…; tiếp tục có những bước tiến thực chất hơn nữa giúp giải quyết hậu quả chiến tranh, đặc biệt là việc tăng cường các dự án tẩy độc, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/điôxin. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam, theo đó sẽ tiếp tục tích cực cùng với Mỹ và các đối tác khác đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đồng thời đề nghị phía Mỹ đáp ứng những lợi ích của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Phía Mỹ khẳng định mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam theo hướng đối tác chiến lược; nhấn mạnh mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế–thương mại, đầu tư, khoa học–công nghệ, giáo dục–đào tạo, nhân đạo… và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, và khu vực như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS)... Phía Mỹ đồng thời mong muốn hai bên sớm giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ thương mại, cùng nỗ lực để có thể sớm hoàn thành đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Phản hồi

Các tin/bài khác