Quan điểm chiến tranh toàn dân trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

(VOV5) - Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên bắt đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên quy mô cả nước. 


70 năm trôi qua, ý nghĩa lịch sử của Toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị, đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.


quan diem chien tranh toan dan trong loi keu goi toan quoc khang chien hinh 1

Pháo đài Láng trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946
(Ảnh tư liệu Bảo tàng LSQS Việt Nam).


70 năm trước, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, là một chiến sỹ quân đội tuổi mới đôi mươi. Theo Bộ Tổng Tham mưu hành quân lên Việt Bắc, dù không được ở lại Thủ đô tham gia chiến đấu 60 ngày đêm nhưng ông vẫn nhớ mãi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác, bởi đó chính là nội dung bài giảng đầu tiên của ông trên cương vị một chính trị viên.

Trung tướng Phạm Hồng Cư kể, hồi đó, ông nhận được từ cấp trên một bản sao Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác kèm theo Chỉ thị phổ biến đến tận chiến sỹ và tuyên truyền trong khu vực đóng quân. Ông đã nghiên cứu rất kỹ nội dung Lời kêu gọi và chuyển thành bài giảng cho bộ đội.

Ông đi đến các đơn vị đọc và phân tích nội dung cho các chiến sỹ nghe. Sau khi ông giảng xong, tất cả bộ đội đứng dậy hô "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm", "kháng chiến nhất định thắng lợi" và cùng hát vang: Tiến lên đường, tới sa trường, ta xứng danh là cảm tử quân...

Không khí ngày ấy rất sục sôi. Ngày 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếng nói Việt Nam cất lên lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là lời hịch của non sông đất nước cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược.

Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, nội dung Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến gồm 5 điểm gồm: Vì sao ta phải kháng chiến?  Quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta. Đánh như thế nào? Lời kêu gọi dành cho bộ đội, tự vệ, dân quân và Kết thúc lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định niềm tin tất thắng: “Với một lòng kiên quyết hy sinh, dù phải gian lao kháng chiến, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm! Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!”.

“Hãy nghe lời Bác: “Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông đàn bà không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, bất kỳ người già, người trẻ. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. Đó là quan điểm chiến tranh toàn dân và Bác đã trình bày hết sức giản dị, hào hùng. Có thể nói đây là nét độc đáo, nét đặc sắc trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh cũng là đường lối quân sự của Đảng là chiến tranh toàn dân”, trung tướng Phạm Hồng Cư nhấn mạnh.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi vùng miền trong cả nước. Tại Nam Bộ, quân và dân đã đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch của thực dân Pháp, kiềm chế không cho chúng đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ - Chính ủy quân khu 7 cho biết, trong vòng 15 tháng cho tới ngày toàn quốc kháng chiến và lúc ấy tuy lực lượng chưa thật thống nhất, kiến thức quân sự, vũ khí cũng chưa nhiều, nhưng bằng tất cả những gì có thể huy động được, nhân dân Nam Bộ đã thay mặt cho cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau này trở thành chiến trường chia lửa cho chiến trường Trung Bộ, Bắc Bộ và kể cả trên toàn cõi Đông Dương.

PGS.TS Vũ Như Khôi (Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng) chia sẻ, phát động toàn quốc kháng chiến là quyết định dũng cảm, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Sự chủ động đứng lên chiến đấu của quân và dân ta không những làm phá sản âm mưu của quân Pháp tấn công chớp nhoáng, bất ngờ, hòng tiêu diệt lực lượng căn bản của Nhà nước Việt Nam non trẻ, mà còn gây thiệt hại nặng nề, làm đảo lộn kế hoạch xâm lược của chúng. Đáp lời kêu gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta nhất tề đứng lên chiến đấu giữ nước với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

Theo Đại tá Vũ Như Khôi, 70 năm đã trôi qua nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc của Bác Hồ vẫn khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người Việt Nam, quán triệt trong ý thức bảo vệ Tổ quốc của thế hệ hôm nay và mai sau. Lời thề thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc cùng với ý chí, hành động đánh giặc cứu nước của dân tộc ta đã để lại bài học quý giá, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho các thế lực xâm lược. Khi Tổ quốc Việt Nam bị xâm lăng cả dân tộc ta sẽ đứng lên chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua 9 năm chiến đấu gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Thực dân Pháp phải ký hiệp định Geneva, công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác