Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang có những bước chuyển mạnh mẽ

40 năm sau chiến tranh Việt Nam và 20 năm bình thường hóa quan hệ đã chứng kiến những nốt thăng trầm trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Cách đây tròn 20 năm (12/7/1995), các nhà lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước. Sự kiện này mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Khi đề cập tới mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ hiện nay, người dân hai nước thường nói tới câu chuyện gác lại quá khứ hướng tới tương lai, để rồi từ đó đem lại những lợi ích chung cùng phát triển.20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, người Mỹ nghĩ gì về Việt Nam và đâu là những rào cản tồn tại trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ?

Phải nói rằng Việt Nam là hai từ khá quen thuộc với người dân Mỹ. Khi đến Washington, rất nhiều người dân Mỹ khi nói chuyện đều hồ hởi khi nhắc tới Việt Nam. Thậm chí, một nhà khí tượng thủy văn trẻ tuổi mà tình cờ tôi có dịp đồng hành ở khu George town (Washington) cho biết, anh đã tới Việt Nam năm ngoái và anh rất thích món Phở của người Việt.

Bảo tàng báo chí lớn nhất nước Mỹ ở thủ đô Washington (New Museum) đã dành hẳn 1 gian trưng bày về chiến tranh Việt Nam. Ở đó, du khách có thể tìm hiểu về cuộc chiến Vỉệt Nam thông qua các tư liệu báo chí; ký ức của người trong cuộc với các cuốn hồi ký, những mẩu tin nhắn viết vội trên giấy hay những bức điện báo. Và cũng tại thủ đô Washington, dòng người đến viếng Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam rất dài.


quan he viet nam-hoa ky dang co nhung buoc chuyen manh me hinh 0
Hoa trắng đặt tại Đài tưởng niệm 


Rất nhiều người cao tuổi Mỹ đứng lặng lẽ lau nước mắt khi nhìn vào những cái tên khắc trên đài tưởng niệm. Họ đến đây bày tỏ nỗi đau trước sự ra đi của người thân, sự đau khổ mất mát vì chiến tranh và có lẽ cả sự hối hận, chua xót vì nước Mỹ đã tham gia cuộc chiến. Nhiều người đặt hoa trắng và di ảnh của người thân rồi đứng tần ngần trước di ảnh. Nhiều người khác thì dành hàng giờ lặng lẽ lật giở từng trang giấy trong cuốn sổ ghi tên những người lính Mỹ chết trận. Phải nói rằng đó là những ký ức khó có thể quên đối với những nhà báo Việt Nam.

Việt Nam-“Big story”

Tại trụ sở tờ Nhật báo Phố Wall (Wall street journal), ông Adam, Trưởng ban tin thế giới của tờ báo cho biết: các thông tin về Việt Nam nói riêng và những vấn đề nóng tại Biển Đông luôn được các biên tập viên của tờ báo này quan tâm và xuất bản sớm nhất cùng một lúc trên báo in, báo điện tử, đưa tin trên mobile phone và cả bản audio.

quan he viet nam-hoa ky dang co nhung buoc chuyen manh me hinh 1
Ông Adam, Trưởng ban tin thế giới của tờ Nhật báo
 Phố Wall 


“Với 300 phóng viên thường trú ở Châu Á, mảng tin tức Châu Á, Biển Đông luôn được các độc giả của tờ báo hết sức quan tâm”. Tờ Nhật báo Phố Wall vừa ăn mừng sinh nhật lần thứ 125. Hiện với 750 phóng viên làm việc tại Mỹ, 300 phóng viên thường trú tại châu Á và 300 phóng viên khác đang làm việc tại Châu Âu, Nhật báo Phố Wall được đánh giá là một trong những tờ báo hàng đầu thế giới.

Ông Adam có nói vui rằng “Khi vấn đề Biển Đông nói chung, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nói riêng đang rất nóng như thế mà chúng tôi “chậm chân” thì có nghĩa là chúng tôi đã thua”. Cũng với những nhận xét như vậy, ở các tờ báo The New York times, Washington Post, mảng tin tức Đông Nam Á-Biển Đông luôn được chú trọng và thường xuyên lên trang nhất.

Báo điện tử IBT, trụ sở ở tại thành phố New York, Mỹ với lượng độc giả 32 triệu lượt người tại Mỹ và 72 triệu trên toàn cầu cũng đã dành khá nhiều thời lượng viết về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam “Khi có sự kiện nóng xảy ra ở bất kỳ điểm nào trên thế giới, chúng tôi ngay lập tức cử các phóng viên tới hiện trường”. Ông River, Trưởng bản Tin thế giới của IBT nói: “Tất nhiên, điểm nóng Biển Đông, với Việt Nam đều không ngoại lệ. Độc giả của chúng tôi rất quan tâm tới mảng tin tức này”.

Ngay cả 1 tờ báo nhỏ ở thành phố San Jose (bang Califonia) là tờ The San Jose Meccury News cũng đã thành lập hẳn 1 bộ phận chuyên theo dõi tin tức về tình hình Việt Nam và Biển Đông. Trên giá sách của tờ báo này, thật tình cờ khi tôi đã nhìn thấy 2 cuốn từ điển Anh-Việt và Easy Vietnamese. Tất nhiên, California là một bang có rất đông người Việt sinh sống, thế nhưng việc một tờ báo cấp bang dành hẳn một sự quan tâm như vậy cho các vấn đề về Việt Nam là điều khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên.

Trước và trong chuyến đi này, tôi đã gặp và trò chuyện cùng khá nhiều các cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam. Trong cuộc gặp với ông Francis McVey, Chủ tịch Hội cựu chiến binh thành phố San Jose, một cựu phi công lái máy bay do thám Mỹ đã từng tham chiến Việt Nam những năm cuối thập kỷ 70, ông cho biết vẫn còn rất nhiều cựu chiến binh Mỹ bị ám ảnh bởi cuộc chiến. Nhưng nay, sau 40 năm rất nhiều đồng đội của ông đã gác lại quá khứ và tham gia các hoạt động hỗ trợ người dân Việt Nam.

quan he viet nam-hoa ky dang co nhung buoc chuyen manh me hinh 2
Ông Jones Suel Duanes


Ông Jones Suel Duanes, một cựu chiến binh vốn là lính thủy đánh bộ Mỹ từng tham chiến ở Đông Hà, Quảng Trị tại Việt Nam là một ví dụ khác. Ông Jones Suel Duanes cho biết, ông không muốn nhắc lại quá khứ bởi ông đã từng cầm súng và giết hại người dân Việt Nam. Nhưng sự thân thiện và vị tha của người dân Việt Nam đã khiến người cựu binh này thay đổi cách nghĩ về chiến tranh.

Từ những dằn vặt, đau khổ của quá khứ, ông đã chọn cách hòa giải, hàn gắn với người dân Việt Nam bằng những hoạt động cụ thể. Ông tham gia các quỹ cựu chiến binh Mỹ giúp đỡ Việt Nam; đến Quảng Trị giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh xây nhà hay phát quà cho những nạn nhân chiến tranh. Đối với ông, đây là một cách hàn gắn vết thương và làm dịu nỗi đau “Chúng tôi giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh xây nhà hay phát quà cho họ. Tôi cảm thấy rất vui khi làm những việc đó, bởi điều đó giúp khắc phục những gì do chiến tranh gây ra”, ông Jones Suel Duanes cho biết.

Ông Peter Nguyễn, người từng là sĩ quan tình báo của quân đội Việt Nam Cộng hòa và rời quê hương năm 1975, tâm sự rằng với ông hòa bình là điều thiêng liêng nhất và ông thường nói với người Mỹ rằng “muốn hiểu hòa bình, hãy đến Việt Nam”.

Ông Peter Nguyễn cho hay giờ đây ông có thể đi lại giữa Việt Nam và Mỹ hoàn toàn tự do. Theo ông, điều đó cho thấy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đang có những đổi thay nhanh chóng. Cựu Đại sứ Mỹ Perteson, Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau khi 2 nước bình thường hóa quan cho rằng, Việt Nam đã thay đổi nhiều trong 20 năm qua. Nhiều người Mỹ cũng đã có cách nhìn nhận khác về Việt Nam. “Bạn thấy đấy, phần lớn người Mỹ mặc quần áo Made in Vietnam. Họ cũng ăn cá nuôi ở Việt Nam nữa. Và người Mỹ sử dụng nhiều sản phẩm làm từ Việt Nam. Chúng tôi rất thích những sản phẩm này”, cựu Đại sứ Mỹ Peterson nhận định.

“Việt Nam là một câu chuyện lớn” (Viet Nam: a big story) ông Michael Quinland, một quan chức Ngoại giao Mỹ nói với chúng tôi. Bà Jillian Bonmardeaux, một quan chức cấp cao khác, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, từng làm việc ở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam nhận định rằng “Quan hệ ASEAN-Mỹ nói riêng, Hoa Kỳ-Việt Nam nói chung là một bức tranh lớn”. Bà nói “Mỹ rất quan tâm tới khu vực này và Việt Nam nói riêng. Chúng ta đã tiến lên phía trước và không có lý do gì để dừng lại”.

4 Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ được ký kết lần lượt trong các năm 2005, 2007, 2008 và 2013 đã khẳng định quan điểm chung của hai nước trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác xây dựng, dựa trên sự tôn trọng, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi.

Năm 2015 cũng là thời điểm hai nước kỷ niệm việc ký kết Tuyên bố hợp tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ vào tháng 7/2013 nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác song phương.

Hoa Kỳ cũng là một trong những quốc gia hỗ trợ cho Việt Nam nguồn ngân sách hơn 600 triệu USD giúp Việt Nam phòng chống HIV/AIDS.

Sau khi bình thường hóa quan hệ, mỗi năm đã có rất nhiều các đoàn cựu chiến binh Mỹ, các học giả Mỹ, các nhà khoa học Mỹ, người dân Mỹ sang giúp đỡ Việt Nam rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chất độc màu da cam, chiến tranh….và hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong các dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

“Quan hệ hai nước đã được mở rộng và đa dạng hóa”, nhà ngoại giao Việt Nam Tôn Nữ Thị Ninh nói. Rất nhiều sinh viên người Mỹ gốc Việt đến Việt Nam giúp người dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh và xây nhà cho họ.

Ông Bùi Thế Giang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác châu Mỹ (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng) đã nói rằng: 20 năm qua, cả Việt Nam và Mỹ đã làm được rất nhiều việc. Theo ông Giang, nói về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sau chiến tranh phải nói đến 3 vấn đề. Một là, vấn đề chất độc da cam. Hai là, vấn đề rà phá bom mìn sau chiến tranh. Ba là, vấn đề người Mỹ mất tích. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc giúp người dân Mỹ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích sau chiến tranh đã được người dân Mỹ đánh giá rất cao. Và họ đã hiểu rằng người Việt Nam thực sự vị tha và đã tha thứ cho người Mỹ.

Khi trở về Việt Nam, Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam, ông Pete Peterson đã nói rằng Việt Nam đã thay đổi nhiều trong 20 năm qua. Do đó, nhiều người Mỹ cũng đã có cách nhìn nhận khác về Việt Nam.

“Bạn thấy đấy, phần lớn người Mỹ mặc quần áo Made in Vietnam. Họ cũng ăn cá nuôi ở Việt Nam nữa. Người Mỹ sử dụng nhiều sản phẩm làm từ Việt Nam nữa. Và chúng tôi rất thích những sản phẩm này”. Ông Pete Perteson nhấn mạnh. “Cuối cùng, chúng tôi rút ra một kết luận là Việt Nam không còn trong tình trạng chiến tranh nữa. Việt Nam là một đất nước rất đẹp”.

quan he viet nam-hoa ky dang co nhung buoc chuyen manh me hinh 3
Một góc gian trưng bày chiến tranh Việt Nam tại bảo tàng báo chí Mỹ


Hóa giải sự khác biệt để cùng hướng tới tương lai

40 năm sau chiến tranh Việt Nam và 20 năm bình thường hóa quan hệ đã chứng kiến những nốt thăng trầm trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Nhưng nói như cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Công Phụng, nhìn lại 20 năm, nhiều khác biệt được thu hẹp lại. Điều quan trọng là 20 năm qua, hai bên đã xây dựng được lòng tin, cho dù khác biệt về thể chế chính trị. Những khác biệt về nhân quyền, tôn giáo, tự do ngôn luận… sẽ dần được xóa mờ.

Khi trả lời phỏng vấn của VOV, một cựu Đại sứ Mỹ khác tại Việt Nam, ông Michael Michalak đã nói rằng “Bạn đã nói đúng về các trở ngại này. Mục đích của việc xây dựng quan hệ ngoại giao giữa hai nước là xây dựng lòng tin. Những gì chúng ta đã làm, những nỗ lực của 2 nước đều nhằm mục đích xây dựng sự tin tưởng”.

Ông Michael Michalak nhận định việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ thể hiện sự tin tưởng ở mức độ cao nhất mà hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ đạt được trong 20 năm qua. “Hiển nhiên còn nhiều mặt mà chúng ta cần cố gắng. Tôi nghĩ những gì chúng ta đã làm được là rất tốt dù cho quãng thời gian là không dài. Quan hệ của chúng ta đang phát triển ở một tốc độ vừa phải, và chúng ta còn nhiều cơ hội để cải thiện quan hệ đó”, ông Michael Michalak nói.

Cựu chiến binh Francis McVey cho rằng, để tiến tới một mối quan hệ tin tưởng, chiến lược và toàn diện hơn thì “Việt Nam và Mỹ cần tôn trọng cảm xúc của nhau”. Một trong những giáo sư hàng đầu về chính trị quốc tế, chuyên gia về khu vực Đông Nam Á ở Đại học Stanford, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Sự chọn lựa khó khăn” cho rằng, khác biệt là bình thường và để tiến xa các bên phải hóa giải được sự khác biệt đó.

Giáo sư chia sẻ: “Giữa Việt Nam-Mỹ có sự khác biệt về tư tưởng và ý thức hệ. Khi thế giới phát triển, các nước không cần phải tuân theo ý thức hệ của nhau. Các nước cũng không cần phải tuân theo hệ tư tưởng của Mỹ. Tuy nhiên, không có lý do gì mà chúng ta không thể thảo luận về lịch sử và về tương lai”.

quan he viet nam-hoa ky dang co nhung buoc chuyen manh me hinh 4
Ông Bùi Thế Giang và những người bạn Mỹ ở Hà Nội


Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng: việc nhìn lại 20 năm qua sẽ giúp Việt Nam và Mỹ tạo ra một điểm khởi đầu để hướng tới 20 năm tiếp theo. Nền tảng hợp tác toàn diện giữa hai nước sẽ là một đường băng chắc chắn để mối quan hệ giữa hai bên có thể cất cánh và bay tới những thập kỷ tới của thế kỷ 21.

Nhà ngoại giao Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam đã dùng một hình ảnh rất đẹp về tuổi 20 khi nói về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: “ Đời người đẹp nhất là ở tuổi 20”.

Trong một phát biểu mới đây, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã nhắc lại lời của cựu Đại sứ Pete Peterson “Không có gì là không thể” trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Đại sứ Ossius nhấn mạnh, năm 2015 sẽ là cơ hội đặc biệt để hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được những mục tiêu trong Hiệp định đối tác toàn diện năm 2013, đồng thời kết thúc thành công đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương ( TPP ). Ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ không phải là nước đứng thứ hai hay thứ 3 trong  quan hệ hợp tác đầu tư và thương mại tại Việt Nam mà cần phải đứng vị trí đầu tiên./.

Hồ Điệp/VOV1

Phản hồi

Các tin/bài khác