(VOV5) - Hôm nay, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Theo dự kiến, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng tiếp tục trả lời chất vấn và sau đó là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ cũng sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn.
Trước đó, ngày 18/11, các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Các câu hỏi chất vấn xoay quanh chủ đề giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng nhiều cấp phó ở các cơ quan trung ương, giải pháp thu hút người có năng lực vào phục vụ trong cơ quan Nhà nước.
Trước thực trạng bổ nhiệm quá nhiều cấp phó, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình cho biết Bộ sẽ có 1 đề án tổng thể để thống nhất trong toàn quốc.
Đại biểu Bùi Thị An: Lạm cấp phó gây lãng phí vì bộ máy cồng kềnh (Ảnh: Quang Trung)
Đề cập chất lượng cán bộ công chức, thu hút người tài, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, thời gian qua, nhiều ngành, địa phương sử dụng chưa đúng cán bộ, cơ chế thưởng, phạt chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm người đứng đầu; chế độ tiền lương đãi ngộ chậm được cải thiện. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết: Thứ nhất là đổi mới cơ chế đánh giá theo nguyên tắc cấp trên đánh giá cấp dưới; rồi sử dụng, trọng dụng người có tài năng, làm được việc. Bộ Nội vụ được Bộ chính trị giao xây dựng Đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và đã được thông qua. Chúng tôi đang xây đề án để trình Thủ tướng phê duyệt để triển khai nội dung này. Từ nay đến 2020 đảm bảo tuyển được 1 nghìn sinh viên xuất sắc, các nhà khoa học trẻ vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước. Thứ 2 là chúng tôi cũng đang xây dựng Nghị định trọng dụng người có tài năng để trình Thủ tướng phê duyệt. Thứ ba là miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác đối với người không đáp ứng được công việc, nghiên cứu chỉ bổ nhiệm người có tài năng, năng lực, phẩm chất.
Về việc triển khai Đề án xác định vị trí việc làm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đề án này. Với chức năng quản lý của mình, Bộ Nội vụ đã triển khai các Hội nghị tập huấn trên toàn quốc. Đến thời điểm này, 24 địa phương và nhiều cơ quan TW xây dựng xong đề án vị trí việc làm của ngành, địa phương mình. Bộ nội vụ đang thẩm định và sắp tới sẽ phê duyệt. Theo quy định đến tháng 6/2015, 70% các cơ quan, tổ chức đơn vị phải xây dựng xong đề án. Thực tế cho thấy mục tiêu này sẽ đạt được. Về tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Trước mắt Thủ tướng sẽ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 132 với nhiều điểm mới để tạo điều kiện cho các cơ quan, địa phương thuận lợi trong việc tinh giản biên chế. Có lẽ sẽ được triển khai từ đầu năm 2015. Thứ 2 là về Đề án tinh giản biên chế, trước đây Bộ chính trị giao cho Bộ Nội vụ xây dựng đề án chỉ tinh giản cán bộ công chức từ TW đến cấp huyện thôi nhưng qua thực thế cho thấy đội ngũ này không lớn mà phải bao quát cả cán bộ, công chức, viên chức từ TW đến cấp xã, phường, thị trấn. Chúng tôi đang hoàn thiện để Hội nghị TW sắp tới xem xét. Nếu được thông qua sẽ thể chế hóa để đưa vào cuộc sống.
Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, chiều nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Nội dung chất vấn xoay quanh giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, các dự án công trình giao thông trọng điểm, các biện pháp hạn chế tại nạn giao thông, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải...
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết ngành giao thông đang tiến hành tái cơ cấu nhiều lĩnh vực để tăng năng suất lao động và giảm giá cước. Thời gian qua, tỷ trọng vận tải đường bộ đã bắt đầu giảm, đường thủy, đường sắt đang tăng thị phần. Về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển kinh tế, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: "Hiện nay, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo ngành Giao thông thực hiện nhiệm vụ phát triển đột phá kết cấu hạ tầng giao thông với một số công trình hiện đại để là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất nhiều cơ chế chính sách để làm sao huy động được các nguồn lực xã hội, của doanh nghiệp, tư nhân, của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong 3 năm qua, việc huy động nguồn vốn ngoài xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đạt gần con số 160.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực lớn của ngành giao thông cũng như sự vào cuộc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhân dân để thực hiện."
Về vấn đề xây dựng cầu treo và cầu dân sinh tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án xây dựng khoảng 7811 cây cầu cầu treo và cầu dân sinh cho 50 tỉnh trên cả nước. Hiện Chính phủ đã cho phép đầu tư trước 186 cây cầu, mục tiêu đến 30/06/1015 hoàn thành. Tổng số vốn đầu tư khoảng 2000 tỷ, dự kiến huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau.
Về công tác phòng chống tham nhũng của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng đây là vấn đề lớn không chỉ trong ngành Giao thông Vận tải. Do đó, cùng với chương trình tổng thể, Bộ đưa ra các giải pháp đột phá chống tham nhũng như xác định trách nhiệm với người đứng đầu liên quan đến đầu tư; thực hiện công khai minh bạch; thực hiện phân loại, xếp loại các chủ thể tham gia đầu tư; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó quan trọng nhất là công tác cán bộ./.