Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn về nợ công, quy hoạch đô thị, phát triển nông nghiệp bền vững

(VOV5) - Vấn đề phát triển kinh tế-xã hội là nội dung bao trùm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội sáng 17/11 trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.


Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn về nợ công, quy hoạch đô thị, phát triển nông nghiệp bền vững - ảnh 1
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến



Tại phiên họp các vấn đề nợ công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thị trường bất động sản, quy hoạch đô thị, phát triển nông nghiệp bền vững, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết nợ đọng thuế được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tình hình nợ công đang ở mức cao, tốc độ tăng nhanh, cần phải giảm nợ công tới năm 2020 giữ ở mức 58,5%. Về các giải pháp thực hiện, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Kiên quyết tiếp tục nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình mang tầm kinh tế, xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch. Khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vay dài hạn, tăng tỷ trọng vay trong nước. Đồng thời thúc đẩy thị trường trái phiếu Chính phủ. Việc quan trọng nữa là để an toàn nợ công chúng ta phải tiếp tục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách Nhà nước.”

 

Đối với việc cổ phấn hóa tái doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong giai đoạn 2011 - 2015 kế hoạch là cổ phần hóa 538 doanh nghiệp. Đến nay đã cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp, đạt 76%, dự kiến đến hết năm 2015 cổ phần hóa 459 doanh nghiệp đạt 90% kế hoạch. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước phải làm theo lộ trình và chắc chắn để tránh tổn thất, không thể nóng vội.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn về vấn đề liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, tình hình phát triển nông thôn mới, khó khăn và thuận lợi với ngành nông nghiệp khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại quốc tế. 

 

Trong lĩnh vực xây dựng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải trình về tình hình thị trường bất động sản, quy hoạch đô thị. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết biết đến nay thị trường bất động đã phục hồi tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho người dân. Về các giải pháp phát triển thị trường bất động sản, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Trước hết phải hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng phát triển đô thị rồi các pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở và kinh doanh bất động sản. Tập trung kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoach và kế hoạch. Thứ ba là phải kiên trì thực hiện các giải pháp kiểm soát phát triển của thị trường bất động sản gắn với chiến lược nhà ở quốc gia, trong đó tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản, tái cơ cấu các sản phẩm bất động sản để đa dạng hóa các sản phẩm cho mọi người dân đều có thể mua nhà ở theo khả năng thanh toán và có sự hỗ trợ của nhà nước. ”

 

Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn về nợ công, quy hoạch đô thị, phát triển nông nghiệp bền vững - ảnh 2
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, thời gian vừa qua thực tiễn có xảy ra một số vi phạm


Cũng trong sáng 17/11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn về vấn đề xét xử các vụ án oan sai, tội phạm. Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn về việc ban hành chức hàm cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước.

Chiều 17/11 vấn đề Hội nhập kinh tế quốc tế, phòng chống gian lận thương mại, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, phát triển ngành du lịch, ngành nông nghiệp là những nội dung chính được các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

 
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã tham gia 10 Hiệp định thương mại tự do và chuẩn bị tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm 2015. Tới năm 2025 Việt Nam sẽ ký kết thêm 10 Hiệp định thương mại tự do khác. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ: “Khi hội nhập vấn đề đầu tiên là Việt Nam phải thay đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và luật pháp để hài hòa với quá trình hội nhập. Chính phủ đã phê duyệt những chương trình hỗ trợ về xúc tiến thương mại, đầu tư, hội thảo… để các doanh nghiệp làm quen dần với điều kiện hội nhập. Còn đối với các doanh nghiệp, họ cũng tự xây dựng chiến lược, quy hoạch kế hoạch hành động của mình để hội nhập.”

Liên quan đến việc cử tri bức xúc vì các địa phương xây dựng các khu hành chính công quy mô, tốn kém, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu dừng ngay việc xây dựng.


Cũng giải trình về hội nhập kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: “Việt Nam đã và đang đàm phán một số Hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc… Những Hiệp định thương mại này khi hoàn tất giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn.Mục tiêu đặt ra trong quá trình đàm phán đó là phải yêu cầu các đối tác dành cho Việt Nam được hưởng những lợi ích cốt lõi. Lợi ích cốt lõi ở đây là vấn đề mở cửa thị trường những nước này cho hàng hóa Việt Nam có lợi thế, trong đó đặc biệt là dệt may. Về cơ bản chúng ta đều đạt được yêu cầu này tức là các nước đều chấp nhận mở cửa thị trường xuất khẩu cho những hàng hóa Việt Nam có lợi thế”.


Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng nêu các giải pháp phòng chống gian lận thương mại, xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái.


Đối với vấn đề an ninh, trật tự xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là đất nước an toàn, an ninh trật tự xã hội đảm bảo. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội:“Thứ nhất là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật. Tiếp tục phong trào bảo vệ vì an ninh tổ quốc và đặc biệt thực hiện tốt cuộc vận động toàn dân xây dựng khu văn hóa dân cư, xây dựng gia đình văn hóa. Xử lý nghiêm mọi cá nhân, tổ chức bao che, bảo kê cho tội phạm".

 

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn về an toàn vệ sinh thực phầm, đảm bảo sức khỏe người dân và quyền lợi người tiêu dùng.

Cũng trong chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận tiếp tục trả lời chất vấn lĩnh vực mình phụ trách.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác