(VOV5)- Hôm nay, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phiên thảo luận được phát thanh và truyền hình trực tiếp, đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước. Các ý kiến đại biểu đều nhất trí cho rằng việc đánh giá lại tính thiết thực và hiệu quả của chính sách đầu tư cho nông nghiệp-nông dân-nông thôn, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra giải pháp khắc phục thực hiện chính sách này tốt hơn trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết.
Đa số ý kiến các đại biểu đều khẳng định chương trình đầu tư cho nông nghiệp nông dân nông thôn là một chương trình có ý nghĩa, được cử tri và nhân dân đồng tình, hưởng ứng và càng có ý nghĩa hơn trong thời điểm đất nước đang tiến hành tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giám sát kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ảnh: Minh Điền
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho nông nghiệp-nông dân-nông thôn, làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển khá toàn diện, tạo ra giá trị nông nghiệp lớn, có nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh mạnh trên thế giới, đảm bảo an ninh lương thực, từ đó đời sống vật chất tinh thần nông dân được cải thiện rõ nét, tuy nhiên trong lĩnh vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một trong những hạn chế đó là số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhiều, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Trong giai đoạn 10 năm (2001-2011), đặc biệt là giai đoạn 2006 -2010, bên cạnh các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, riêng Chính phủ đã ban hành tới 237 loại văn bản liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp-nông dân-nông thôn.
Hồ chứa nước Sông Móng (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận)
Ông Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, nêu ví dụ: Với một "rừng" văn bản chính sách như vậy, sự trùng lắp, không đồng nhất là dễ xảy ra, gây khó khăn trong công tác thực hiện. Như việc thủ tục liên quan đến xây dựng nhà ở cho người dân ngập lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tới 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện xây dựng chương trình nước sạch nông thôn liên quan đến nguồn vốn được đề cập ở 5 quyết định và nghị định khác nhau. Bên cạnh đó, thiếu vắng những chính sách mang tính đột phá cho sự phát triển như chính sách khoa học, công nghệ, thúc đẩy thị trường, chế biến nông sản để tăng hiệu quả và tính cạnh tranh.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, kiến nghị bên cạnh việc cần thiết phải có những quy định mới về khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp còn phải chú trọng tăng cơ cấu vốn đầu tư cho nông nghiệp, theo hướng phân cấp mạnh hơn cho địa phương. Các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án cho nông thôn cần được rà soát lại, tránh tình trạng như hiện nay, dù 1 dự án nhỏ cũng phải đưa về Bộ kế hoạch đầu tư thẩm định phê duyệt. Điều này hạn chế tính năng động của địa phương trong việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Ông Sơn cho biết: Hà Tĩnh là tỉnh bước đầu có bước phát triển mạnh về công nghiệp nhưng cũng hết sức quan tâm đến vấn đề nông nghiệp-nông dân-nông thôn, đặc biệt hiện nay có chương trình xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi chọn những sản phẩm chủ lực, những mô hình kinh tế, chăm lo cho nông dân. Sau khi chọn được sản phẩm chủ lực của địa phương, của vùng, của tỉnh thì tập trung đầu tư về nguồn giống, tập trung chỉ đạo khoa học công nghệ và đặc biệt quan tâm đến khâu chế biến, lo đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Từng bước như vậy gắn với công nghiệp. Đây là yếu tố tạo chủ động từ cơ sở để lồng ghép các nguồn lực.
Những thiết bị cơ giới như máy kéo, máy gặt luôn là niềm mơ ước của nhiều nông dân ĐBSCL.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị cần sửa đổi Luật Đất đai, mở rộng hạn mức hạn điền, có chính sách trực tiếp khuyến khích người nông dân tích tụ đất đai, nâng thời gian giao quyền sử dụng đất ngang bằng với thời hạn thuê đất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần bổ sung kịp thời, nâng cao nguồn vốn các chương trình đầu tư công, mục tiêu quốc gia cho vùng nông thôn, đảm bảo cho địa phương có đủ nguồn vốn đối ứng thu hút vốn ODA, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay của nông thôn, các doanh nghiệp đầu tư phát triển tại vùng nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp; bổ sung chính sách ưu tiên cho đối tượng diêm dân; đầu tư hoàn thiện hệ thống y tế tuyến huyện, xã…/.