(VOV5) - Dự án Luật được các đại biểu thảo luận trong phiên họp sáng nay. 17/58 đại biểu đăng ký đã phát biểu về nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật, chủ yếu xung quanh việc thu hồi đất, giá đất.
Các đại biểu tán thành cao việc dự thảo Luật đất đai sửa đổi trình Quốc hội lần này đã bổ sung nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước. Nhiều đại biểu nhất trí cho rằng quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý như Dự thảo Luật đất đai sửa đổi là cần thiết, đảm bảo sự thống nhất tinh thần và nguồn lực vật chất, chống nguy cơ xâm hại chủ quyền quốc gia.
|
Góp ý về giá đất, theo một số đại biểu, dự án Luật đất đai sửa đổi vẫn quy định chung chung, chưa cụ thể, do đó cần phải thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá đất đồng thời nhà nước cũng cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường và công bố giá đất định kỳ làm cơ sở tham chiếu. Bà Đặng Thị Mỹ Hương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh quy định về giá đất chưa giải quyết được mong muốn của người dân có đất bị thu hồi. Đại biểu đề nghị: Việc xác định giá đất khi Nhà nước thu hồi đất phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai khi quyền sử dụng đất của người dân bị thu hồi, làm sao đó để tiền bồi thường phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn so với trước.
Về các trường hợp thu hồi đất, một số ý kiến đề nghị cần quy định trong luật các công trình xây dựng khu đô thị mới, khai thác khoáng sản, khu văn hoá thể thao…mà chủ đầu tư là doanh nghiệp thì phải thoả thuận với người dân, chỉ nên cho phép thu hồi đất đối với các dự án mà Nhà nước là chủ đầu tư. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đề nghị cần quy định thành một điều riêng về các dự án Nhà nước thu hồi nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Đề cập trình tự, thủ tục thu hồi đất, một số đại biểu cho rằng dự án luật cần quy định thời gian đối với việc lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để bảo đảm tính kịp thời, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Riêng về thời hạn giao đất, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đề nghị: Cần quy định thời gian rà soát định kỳ 5 năm hoặc 10 năm/lần để phát hiện điều chỉnh những trường hợp đất giao cho người đã mất, người không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích để đảm bảo tiết kiệm tránh lãng phí và thất thoát ngân sách trong quản lý đất đai.
Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 4 dự án Luật gồm: Luật xây dựng (sửa đổi); Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi): Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Mở đầu phiên họp Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật xây dựng sửa đổi. Theo Tờ trình về dự án Luật xây dựng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ xây dựng Trịnh Đình Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày. Các nội dung mới của dự án Luật Xây dựng sửa đổi chủ yếu là đổi mới phương thức quản lý dự án, về quy hoạch các dự án, thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng... Đây là những vấn đề được xem là sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hơn trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam. Báo cáo giám sát do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cũng khẳng định dự thảo được chuẩn bị công phu, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của xã hội. Trong đó tập trung vào việc quản lý các dự án xây dựng nhằm tránh thất thoát và đổi mới cơ chế đầu tư xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chẽ các nguồn vốn, trong đó vốn ngân sách nhà nước. Dự thảo luật cũng làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, từ trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các cấp, các ngành.Dự kiến, dự thảo Luật đất đai sửa đổi sau khi được chỉnh lý, bổ sung ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 29/11 tới.