Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực

(VOV5) - Quốc hội sáng 20/6 thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.

Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực - ảnh 1

Đa số các ý kiến đồng tình giữ quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bỏ quy hoạch điện cấp huyện. Một số ý kiến nhấn mạnh ngành điện hiện nay vẫn còn độc quyền. Ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, là những nơi chưa có điện lưới quốc gia, việc quy định Ủy ban nhân dân các tỉnh quyết định giá điện trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí có lợi nhuận hợp lý cho đơn vị điện lực là rất khó khăn cho các tỉnh. Điều này cần phải sửa đổi theo hướng Chính phủ và Trung ương hỗ trợ các vùng chưa có điện lưới quốc gia. Có ý kiến đề nghị đối với các công trình, dự án đầu tư mới của ngành điện cần bắt buộc lựa chọn công nghệ tiên tiến có mức tiêu thụ điện năng thấp, đồng thời từng bước loại bỏ trang thiết bị công nghệ cũ tiêu thụ nhiều điện năng. Bà Hoàng Thị Tố Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, nêu ý kiến: “Dự thảo luật cần bổ sung rõ quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và có chế tài xử phạt rõ ràng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên. Tôi đề nghị đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ điện, cơ khí điện để nội địa hóa thiết bị điện ở Việt Nam, sẽ góp phần quan trọng cho việc giảm chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm. Dự thảo luật cũng cần thể hiện sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và sự tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp.

Còn ông Nguyễn Thanh Phương, đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, góp ý:

Tôi đề nghị Nhà nước cần có chính sách tích cực hơn nữa, nhanh chóng chuyển giá điện sang cơ chế thị trường vì theo kế hoạch đến năm 2022 mới thực hiện giá điện bán lẻ cạnh tranh. Tôi đề xuất xem xét bổ sung một khoản quy định chính sách hỗ trợ đặc thù cho các cá nhân, tổ chức đầu tư khai thác nguồn năng lượng điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất để giảm áp lực lên nguồn điện chung của quốc gia. Trên thế giới đã có rất nhiều ví dụ thành công sử dụng nguồn năng lượng tái tạo này cho sinh hoạt và cho sản xuất.

Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 5 Luật, gồm: Luật giá; Luật công đoàn (sửa đổi); Luật giám định tư pháp; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật xử lý vi phạm hành chính./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác