Quốc hội thảo luận dự thảo Luật giá

(VOV5) - Ngày 28/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13 bước sang tuần làm việc thứ 2. Dự thảo Luật giá là nội dung được các đại biểu thảo luận sáng 28/5. Luật giá quy định về cơ chế quản lý giá hàng hóa, dịch vụ; thẩm định giá; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá và thẩm định giá; hoạt động điều tiết giá của Nhà nước. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày, còn 2 vấn đề lớn là: bình ổn giá, trong đó có việc đăng ký giá và danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá; thứ hai là định giá, trong đó có hình thức định giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và thẩm quyền định giá. Các ý kiến đều khẳng định phải để Nhà nước điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch. Đa số các ý kiến cho rằng việc lập Quỹ bình ổn giá là cần thiết, nhưng cần quy định rõ trong Luật về tính chất, việc thành lập, nguồn hình thành, cơ chế quản lý Quỹ. Ông Nguyễn Năm Thành, đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, góp ý: “Về danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá theo tôi chỉ tập trung vào những sản phẩm thiết yếu và trực tiếp nhất như xăng dầu, khí đốt, điện, phân đạm, vắc xin phòng bệnh, thuốc phòng bệnh thiết yếu... Về nguyên tắc quản lý giá tôi đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc công khai vì đây là nguyên tắc rất quan trọng. Tôi đề nghị bổ sung đầy đủ hơn là Nhà nước có chính sách quản lý về giá, nhằm hỗ trợ các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các lĩnh vực sản xuất ưu tiên, sản phẩm mới, sản phẩm đặc thù, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.”

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật giá - ảnh 1


Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013. Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội tập trung vào 2 vấn đề: Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm tra trong việc đề nghị, kiến nghị các luật và dự án Luật, thẩm tra dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm; Đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nêu ý kiến: “Tôi tán thành việc bỏ phiếu tín nhiệm đối một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc bỏ phiếu tín nhiệm làm cho hoạt động của Quốc hội được thực quyền hơn và Chính phủ cũng nâng cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Để cải tiến chất lượng tiếp xúc cử tri, tôi đề nghị nên đa dạng hình thức tiếp xúc cử tri, có thể tiếp xúc theo chuyên đề, tiếp xúc tại nơi cư trú, tiếp xúc tại nơi làm việc hoặc tiếp xúc theo giới... Như thế vừa đảm bảo tính nghiêm minh vừa đảm bảo tính dân chủ.”

Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho biết có 30 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh trong Chương trình chính thức và 18 dự án luật trong Chương trình chuẩn bị./.

Phản hồi

Các tin/bài khác