(VOV5) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13, sáng 1/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật dự trữ quốc gia; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.
Pháp lệnh dự trữ quốc gia được ban hành cách đây 8 năm, nay được nâng lên thành Luật dự trữ quốc gia, nhưng bộc lộ nhiều hạn chế, cần phải thay đổi. Dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội; tham gia bình ổn thị trường; thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước. Đa số các ý kiến cho rằng phạm vi dự trữ quốc gia còn rất hẹp, chủ yếu nguồn dự trữ quốc gia là lấy từ Ngân sách nhà nước. Cần mở rộng đối tượng và phạm vi điều chỉnh Luật dự trữ quốc gia đến các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Hiện nay tổng dự trữ quốc gia của Việt Nam đạt khoảng 0,38% GDP, còn thấp so với nhiều nước trên thế giới. Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, đề xuất: “Nguồn dự trữ quốc gia được hình thành từ ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định. Điều này là phù hợp với Luật ngân sách nhưng nếu quy định như thế này thôi thì chúng ta không huy động được các nguồn lực khác trong xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Quốc hội đề ra chủ trương là các lĩnh vực nếu xã hội hóa được thì xã hội hóa. Rất nhiều lĩnh vực chúng ta đã xã hội hóa, trong giáo dục, y tế, thể thao chúng ta đã xã hội hóa. Dự trữ quốc gia rất quan trọng mà chúng ta không bổ sung thêm là khuyến khích, động viên của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác tham gia vào hoạt động dự trữ quốc gia thì mất đi nguồn lực rất lớn trong xã hội. Thậm chí các nguồn tài trợ, viện trợ của nước ngoài không hoàn lại hoặc là thấy chưa cần thiết sử dụng trong đời sống cũng nên đưa vào dự trữ quốc gia.”
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung trong dự thảo luật cần được sửa đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế, điển hình là việc bổ sung cơ chế quyết định trước về phương pháp xác định giá tính thuế. Một số ý kiến nhấn mạnh phải tăng cường xử lý các vi phạm pháp luật về thuế; tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế.
Buổi chiều, các đại biểu Quóc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013./.
Ngọc Anh