(VOV5) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, sáng 16/6, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, sáng 16/6, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).
Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật quy định, nợ công gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Đa số đại biểu thống nhất với quy định này, theo đó không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập. Đại biểu Bùi Thanh Tùng, đoàn Hải Phòng nêu ý kiến: “Cơ bản tôi thống nhất với phạm vi đều chỉnh. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá cụ thể hơn về thực trạng tình hình thực trạng ngân sách nhà nước, trả nợ thay cho các doanh nghiệp nhà nước, tình hình và thực chất nợ ngân hàng chính sách. Cần giải trình rõ lý do nợ do ngân hàng nhà nước phát hành không thuộc nợ công cũng như một số khoản nợ khác như nợ xây dựng cơ bản của cấp tỉnh huyện, xã trong trường hợp không đủ khả năng chi trả, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng…”
Về tiến độ, thời hạn triển khai các nội dung công việc trong quy trình huy động, quản lý, sử dụng nợ công, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ thời hạn hàng năm các bộ, ngành, địa phương phải đề xuất nhu cầu sử dụng vốn vay, báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội, thời gian Quốc hội phê duyệt kế hoạch vay trả nợ 5 năm, chỉ tiêu an toàn nợ… trong nội dung Dự thảo luật để đảm bảo đồng bộ với các quy định trong Luật ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng (quochoi.vn) |
Chiều 16/6, thảo luận về dự án Luật tố cáo (sửa đổi), các đại biểu đề nghị: Dự án Luật cần quy định rõ với những đơn tố cáo nặc danh, bổ sung các hình thức tố cáo và có cơ chế bảo vệ người tố cáo. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với quan điểm của Chính phủ thể hiện trong dự án Luật là chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo bằng đơn và trực tiếp. Đại biểu Trần Văn Mão, đoàn Nghệ An cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nếu bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như bản fax, email, điện thoại…sẽ rất khó khăn cho việc xác minh giải quyết đơn của các cơ quan Nhà nước.
Về bảo vệ người tố cáo, các đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Nghệ An, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, đoàn Ninh Thuận cho rằng: dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mới để bảo vệ người tố cáo, tuy nhiên, nhiều quy định vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này. Dự thảo luật cũng chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo.