(VOV5) - Tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, ngày 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận về 2 dự thảo Luật là dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi) và Luật quản lý thuế. Đây là 2 dự án Luật quan trọng được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội này.
|
Đối với dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu khẳng định bản chất của hợp tác xã khác với doanh nghiệp ở mục tiêu thành lập, quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế... Hợp tác xã là một trong những tập thể được lập ra để giúp đỡ lẫn nhau, phục vụ, hỗ trợ các thành viên thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, văn hóa, xã hội mà không vì mục tiêu lợi nhuận. Về chính sách của Nhà nước đối với hợp tác xã, ông Danh Út, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, nêu ý kiến: Phát triển hợp tác xã không những có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, mà còn có ý nghĩa quan trọng về xã hội. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế, đồng thời cũng là tổ chức xã hội, tập hợp những người lao động, các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ. Đây là lực lượng xã hội to lớn, đông đảo nhưng phần lớn họ là nông dân, người nghèo, hạn chế kỹ thuật và vốn. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ hợp tác xã nhiều hơn các loại hình doanh nghiệp khác.
Thảo luận về Luật quản lý thuế, các đại biểu đề xuất sửa đổi mục tiêu dự án Luật nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế; đồng thời tăng cường tính hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế. Ông Thân Đức Nam, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, góp ý: Luật quản lý thuế năm 2006 cho phép thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là 275 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Dự thảo Luật lần này sửa đổi theo hướng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp thuế trước khi được thông qua hoặc giải phóng hàng hóa. Tôi cho rằng việc sửa đổi như vậy một mặt hạn chế hiện tượng lợi dụng chính sách gia hạn thuế để cố tình nợ thuế, nhưng quy định này sẽ phần nào ảnh hưởng tới chính sách khuyến khích xuất khẩu, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh tới việc cần tăng chế tài xử phạt đối với những hành vi gian lận, trốn thuế. Theo đó, cần quy định mức phạt theo lũy tiến đối với hành vi chậm nộp thuế, để mang tính răn đe, vì mức xử phạt 0,05%/ngày không phân biệt thời hạn chậm nộp thuế như quy định hiện hành là quá thấp, không đủ tính răn đe, gây thất thu cho Nhà nước. Thời điểm Luật quản lý thuế có hiệu lực thi hành là từ 1/7/2013 là kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn./.