(VOV5) - Theo chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, sáng 20/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua 6 dự án Luật quan trọng. Đó là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế; Luật dự trữ quốc gia; Luật hợp tác xã (sửa đổi) và Luật xuất bản (sửa đổi).
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường vềdự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).
Trước đó, ngày 19/1, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật đất đai (sửa đổi).
|
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh:baomoi) |
Các đại biểu đồng tình cao việc dự thảo Luật đất đai sửa đổi quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, phấn đấu trong năm 2013 cơ bản cấp xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất. Về qui định giá đất, các đại biểu tán thành việc định giá đất theo nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người dân bị thu hồi đất và nhà đầu tư. Giá đất do Nhà nước quy định, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Việc bồi thường khi thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng, sát thực tế. Ông Trần Ngọc Vinh, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, nhấn mạnh: “Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, theo tôi đây là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai ngày một gia tăng. Vì vậy, cần phải sửa đổi toàn diện các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng đất đổi đất, nhà đổi nhà, tức là giá hoặc đất tái định cư có thể tạo tài sản tương đương tài sản bị thu hồi tại địa điểm khác tương tự, không phải bỏ thêm tiền. Đồng thời Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để người bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới. Thứ hai nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời Nhà nước bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất, nghiên cứu giải quyết việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất.”
Một số ý kiến cho rằng việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn. Việc sửa đổi Luật đất đai phải đảm bảo khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai từ Trung ương đến cơ sở. Bà Nguyễn Thanh Hải, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, góp ý: “Tôi đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện thêm việc đổi mới căn bản qui trình và cơ chế lấy ý kiến đóng góp của nhà khoa học, các chuyên gia và đông đảo quần chúng nhân dân trong qui hoạch sử dụng đất đai. Đồng thời cần qui định thêm trong dự luật về giá trị pháp lý của việc lấy ý kiến người dân cũng như trách nhiệm tiếp thu, giải trình trước dân về việc lập qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cơ quan soạn thảo. Cần xác lập cơ chế đối thoại, trao đổi thường xuyên giữa các cơ quan soạn thảo với những chủ thể tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật trong lĩnh vực đất đai”.
Phiên họp về dự án Luật đất đai (sửa đổi) trong ngày 19/11 được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi./.