(VOV5)- Quốc hội chiều 2/11 thảo luận ở tổ về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng đã được công bố để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và trình Quốc hội để thông qua tại kỳ họp này.
Đây là một dự Luật với những quy định mang tính khả thi, chế tài đủ mạnh và hạn chế tối đa những kẻ hở mà tội phạm tham nhũng có thể lợi dụng. Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về việc công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập ở nơi công tác và nơi cư trú; từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng
Về mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, góp ý “Nghị quyết Trung ương 5 đã khẳng định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là chuyển sang Bộ Chính trị mà do Tổng Bí thư làm trưởng Ban. Còn Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh, thành phố thì không còn. Tôi ủng hộ là đưa Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về bên Đảng bởi vì như thế là đủ mạnh, được quyền xử lý kịp thời và mang tính răn đe.”
Trước đó, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả cao trong đấu tranh với các loại tội phạm, các đại biểu cho rằng cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Đối với công tác phòng chống tham nhũng trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường, bổ xung các chế tài, quy định đủ tính răn đe cũng như tăng cường biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Ngọc Thắng
Theo ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, phòng, chống tham nhũng phải đặc biệt chú trọng tới bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của những người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy hành chính Nhà nước “Nếu người đứng đầu liêm khiết, công minh, là những cán bộ đạo đức tốt thì họ sẽ kiên quyết chống tham nhũng. Khi người đứng đầu kiên quyết chống tham nhũng thì người đó sẽ tập hợp những cán bộ liêm khiết và trong sáng. Những người đó sẽ hết lòng, hết sức chống tham nhũng với mình. Đây là một yếu tố cốt tử. Chừng nào chưa làm được điều này thì vẫn chưa có niềm tin với nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.”
Một số thành viên Chính phủ cũng trả lời một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tập trung giải đáp về việc giải quyết các vụ án còn tồn đọng lâu. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời về công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng./.