Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số dự án Luật

(VOV5) - Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận tại tổ, chiều nay. Theo Ban soạn thảo, dự án Luật nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, đặc biệt là gia tăng các cơ chế, biện pháp thực hành tiết kiệm, xác định rõ hành vi vi phạm, chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí.

Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng dự án Luật quy định khá toàn diện phạm vi điều chỉnh, trong đó có thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên một số đại biểu kiến nghị Dự án Luật chưa đề cập tới phương pháp điều chỉnh. Ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, nêu ý kiến: Với nhóm thứ 1 và thứ 2 sử dụng phương pháp hành chính và cưỡng chế vì đây là sử dụng tài sản công và tài nguyên nhà nước. Các đối tượng buộc phải tiết kiệm, chống lãng phí. Với nhóm thứ 3 thì vừa giáo dục thuyết phục mà thuyết phục là chính bởi vì nó liên quan đến cá nhân công dân”.


Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số dự án Luật - ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại phiên họp

Cũng trong chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự án Luật đấu thầu (sửa đổi).

Trước đó, sáng nay, dự thảo Luật phòng, chống thiên tai được đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Nhiều đại biểu khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành luật này. Việc dự án Luật bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm thiên tai, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản đóng góp cho thiên tai là cần thiết, nhằm tạo điều kiện động lực tham gia phòng chống thiên tai, đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động phòng, chống thiên tai. Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Ông Huỳnh Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, nêu ý kiến: Dự thảo Luật  bổ sung thêm một chương mới chương Hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai là hợp lý và cần cần thiết vì  trong công tác này cần có sự tham gia của nhiều nước nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý thảm hoạ do thiên tai gây ra, phối hợp các nguồn lực là rất cần thiết. Việt Nam cũng cần thể hiện vai trò tích cực của mình trong hợp tác khu vực và quốc tế trong phòng, chống thiên tai.”.


Các đại biểu đề nghị Dự án luật cần bổ sung quy định cấm chặt phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, khai thác cát trên lòng sông; quy định rõ yêu cầu chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, trách nhiệm dự báo cảnh báo thiên tai của cơ quan chức năng. Nhiều ý kiến cũng kiến nghị khi xây dựng quy hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cần gắn kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng để đảm bảo phát triển bền vững.

Ngày mai, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012; thảo luận ở hội trường về nội dung này. Phiên làm việc được phát thanh và truyền hình trực tiếp./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác