(VOV5) - Tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13, ngày 16/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu Quốc hội tập trung làm rõ những vấn đề về: Quyền lực Nhà nước; Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam; Chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước; Bản chất của các thành phần kinh tế…
|
Ảnh khai thác. |
Các ý kiến đều nhất trí việc sửa đổi Hiến pháp phải dựa trên quan điểm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền tại Việt Nam, đồng thời cũng là đảng duy nhất được phép hoạt động. Đảng cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, người lao động và lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Về quyền con người và quyền và nghĩa vụ công dân, ông Nguyễn Bắc Việt, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, góp ý: “Về quyền con người, theo tôi vẫn phải thực hiện làm sao được tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập. Đó là mọi người sinh ra, ai cũng có quyền sống tự do, bình đẳng, mưu cầu hạnh phúc. Nhưng trong dự thảo lần này nêu chưa rõ nghĩa chỉ nói mọi người có quyền sống. Theo tôi, phải nói rõ đó là quyền sống tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Về quyền công dân nên viết công dân có quyền tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Công dân có quyền quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.”
Hiến pháp sửa đổi phải tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam . Quốc hội thực hiện quyền lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động Nhà nước. Về bản chất các thành phần kinh tế đất nước, ông Đặng Ngọc Tùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, nêu ý kiến: “Về cấp thể hiện của các thành phần kinh tế ở trong Hiến pháp, tôi nghĩ rằng các thành phần kinh tế có vai trò quan trọng và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, là yếu tố luôn vận động, phát triển trong từng giai đoạn phát triển kinh tế và có sự chuyển hóa, đan xen lẫn nhau. Do đó, Hiến pháp cần phải tiếp tục khẳng định cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, xác định nhiều thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật, đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.”
Theo các đại biểu Quốc hội bên cạnh vai trò tạo nền tảng dân chủ và pháp lý vững chắc thì Hiến pháp phải là một bản Tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam, đồng thời bao hàm một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Sửa đổi Hiến pháp là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa pháp lý to lớn với đất nước. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Sau khi lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban thường Vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 vào tháng 10/2013./.