(VOV5)- Sáng 4/12, tại Hà Nội, diễn ra hội nghị sơ kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thừa phát lại là công việc hỗ trợ công tác tư pháp, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án. Thí điểm chế định Thừa phát lại là một giải pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020. Tính đến ngày 31/10/2014, chế định Thừa phát lại được thí điểm tại 13 địa phương trong cả nước với 51 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập. Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng “Thành công lớn nhất mà chế định Thừa phát lại đạt được thời gian qua là đã tạo kênh pháp lý cho người dân và là công cụ hữu hiệu cho người dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời chia sẻ, gánh vác việc cho cơ quan thi hành án và tòa án. Chế định Thừa phát lại tạo niềm tin cho người dân vào hệ thống pháp luật cũng như niềm tin của người dân vào công cuộc cải cách tư pháp mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện.”
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, nhấn mạnh thời gian tới, ngành Tư pháp cần tập trung thực hiện hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến về Thừa phát lại nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc triển khai thực hiện thí điểm cũng như hiểu biết và tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này./.