Tăng cường đưa hàng Việt về chợ truyền thống, vùng sâu vùng xa

Sau 2 năm thực hiện, Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hàng Việt đã được đưa đến khắp các tỉnh thành, đến tận những vùng sâu, vùng xa cho đồng bào dân tộc thiểu số và đã thay đổi nhận thức người tiêu dùng về hàng Việt, tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước cũng như phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.

 

 

Tăng cường đưa hàng Việt về chợ truyền thống, vùng sâu vùng xa - ảnh 1

 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn thu hút sự quan tâm của nguời tiêu dùng nông thôn

Năm 2011, Bộ công thương tổ chức gần 160 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 1600 lượt doanh nghiệp tham gia, thu đạt hơn 57 tỷ đồng. Trong các siêu thị, trung tâm thương mại, hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng áp đảo(hệ thống siêu thị của Saigon Co-op có tới gần 95% hàng sản xuất trong nước). Người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Các doanh  nghiệp cũng chủ động xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường về nông thôn, khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa. Báo cáo của Ban vận động chương trình tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực  hiện Chương trình “ Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội cho thấy, 59% người tiêu dùng khẳng định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng việt Nam và có tới 38% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”, 36% người tiêu dùng cho rằng “trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài nay đã dừng mua hoặc mua ít hơn để thay bằng mua hàng Việt Nam”. Điều đáng nói là không chỉ tại các thành phố lớn, mà ngay tại cac vùng nông thôn, trước đây vốn là “ sân nhà” của hàng ngoại, hàng lậu, hàng kém chất lượng, thì nay với chính sách kích cầu của Chính phủ, thông qua chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều doanh nghiệp đã bất ngờ bởi hàng hóa bán rất chạy.



Nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được  người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước là sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép, thực phẩm, rau quả, các sản phẩm đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, nội thất, văn phòng. Đáng chú ý, tại nhiều siêu thị số lượng hàng nội đã chiếm tỷ lệ 70 đến 90%, trong đó hơn 60% người tiêu dùng quan tâm, ưu tiên sử dụng hàng nội nhất là với các sản phẩm dệt may mặc. Bà Nguyễn Thị  Hồng Tín, Trưởng ban  Thị trường trong nước, tập đoàn Dệt may  Việt Nam cho biết, năm 2011 đã tổ chức hơn 60 đợt bán hàng và các doanh nghiệp cũng ý thức thị trường dệt may  nội địa phục vụ cho trên 80 triệu dân là một thị trường tiềm năng, nhiều doanh nghiệp đã đi trước và có chiến lược phát triển thị trường nội địa rất mạnh như Việt Tiến, Phong Phú, Nhà Bè, May 10 và một số doanh nghiệp khác. Phải nói là doanh thu nội địa rất cao, lợi nhuận thu được từ thị trường nội địa rất đáng kể.



Tuy  nhiên, quá trình thực hiện cuộc vận động này vẫn còn khó khăn, tồn tại. Trong đó, việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối chưa được xây dựng bài bản, gây trở ngại cho các doanh  nghiệp vừa và nhỏ; nhiều hội chợ triển lãm được tổ chức nhưng mới dùng lại ở trưng bày, giới thiệu hoặc buôn bán lẻ, chưa gây dựng được thương hiệu Việt trong người tiêu dùng. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ  Việt Nam, muốn người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng việt Nam thì bản thân người bán hàng phải hiểu  biết, yêu mến và quảng bá hàng Việt Nam để từ đó có sự năng động và chuyên gnghieepj hơn trong việc quảng bá hàng  Việt đến người tiêu dùng cũng như cùng với  nhà sản xuất coi trọng chất lượng dịch vụ bán hàng, chăm sóc khách hàng, đặc biệt là dịch vụ hậu  mãi. Bà Đinh Thị Mỹ Loan cho biết: Bà con tiêu thương ở chợ truyền thống muốn bán hàng Việt, doanh nghiệp sản xuất cũng muốn đưa hàng Việt vào chợ, người tiêu dùng cũng muốn mua. Nhưng vấn đề là khâu kết nối, liên kết giữa  nhà sản xuất và người tiêu dùng chưa thông suốt. Ví dụ muốn nhập hàng Việt thì doanh nghiệp không đưa vì đang tập trung đi xuất khẩu. Nếu muốn lấy hàng phải lấy số lượng lớn, không được đổi trả hàng. Trong khi những nguồn hàng khác linh hoạt hơn nhiều

Thứ trưởng Bộ công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng để Cuộc vận động đi vào chiều sâu và bền vững, cần có giải pháp đồng bộ, trong đó, trước hết doanh nghiệp phải sản xuất hàng hóa có chất lượng, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam ngày càng nhiều, trước hết, các doanh nghiệp cần phải  nỗ lực hơn nữa để sản xuất ra các loại sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao nhưng giá cả thấp hơn so với hàng hóa đến từ nước ngoài.  Đồng thời, mỗi người dân dân Việt khi mua sắm, tiêu dùng hãy nghĩ đến sự phát triển của đất nước, tức là bằng hành động thiết thực của mình hãy ưu tiên mua, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ từ các doanh  nghiệp Việt Nam sản xuất và cung ứng… Bà Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: Bộ Công thương đã có chương trình phối  hợp và triển khai cụ thể liên kết giữa các nhà sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Ngoài ra, năm tới cần chú trọng hơn nữa hạ tầng thương mại. Vì muốn lưu thông phân phối phải có cơ sở để bán được  hàng. Hiện nay, hàng hóa được đưa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo những phiên chợ, khi phiên chợ rút đi rồi thì hàng hóa lại khó trụ lại. Năm tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương để làm sao hàng Việt có mặt tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa

Trong năm 2012. để đẩy mạnh việc triển khai cuộc vận động “ Người  Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nhân rộng, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện cho các doanh  nghiệp tổ chức các điểm bán hàng có thương hiệu Việt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sắm Tết, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng đó, tổ chức nhiều hoạt động triển lãm, hội chợ thương mại… để người tiêu dùng  Việt thấy được các ưu điểm nổi trội của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu  nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và tìm kiếm mở rộng thị trường nội địa, liên kết đầu tư với nhiều hình thức đa dạng. Bộ còn có kế hoạch phù hợp để khuyến khích các doanh  nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong các khâu cung cấp thông tin, khai thác thị trường, chống cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá…góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh  nghiệp. Mặt khác, đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận chất lượng với hệ thống các quy chuẩn để giúp người tiêu dùng loại bỏ những e ngại khi sử dụng hàng Việt./.

 VOV

Phản hồi

Các tin/bài khác