Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển

(VOV5) - Tại phiên thảo luận về dự thảo luật báo chí (sửa đổi) trong phiên họp chiều nay, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc sửa đổi dự thảo Luật báo chí dựa trên tinh thần đề cao vai trò của báo chí.

Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển - ảnh 1
Ảnh minh họa (Nguồn: VGP)


Dự thảo gồm 6 chương, 62 điều, đã thể hiện được tương đối đầy đủ những những vấn đề cơ bản, cần thiết liên quan đến hoạt động báo chí.  Tuy nhiên, để báo chí thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ công, Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho hoạt động báo chí, bảo đảm quyền của báo chí được tiếp cận với nguồn tin; đề nghị xem xét bổ sung các hành vi gây cản trở hoạt động báo chí như không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật để triển khai luật đầy đủ, chặt chẽ. Cơ quan có trách nhiệm trả lời với những vấn đề báo chí nêu. 


Để phát huy vai trò phản biện của báo chí, ông  Huỳnh Văn Tính, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, cho rằng: "Đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí hoặc né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí đúng theo quy định của pháp luật hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí. Ban soạn thảo đồng thời có quy định xem xét trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp hành hung, truy sát nhà báo trong tác nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý, bảo vệ an toàn tính mạng của nhà báo khi tác nghiệp, góp phần không nhỏ trong phát hiện và đưa ra ánh sáng các vụ tiêu cực trong xã hội hiện  nay, phát huy hơn nữa vai  trò phản biện xã hội của báo chí".


Trước sự phát triển nhanh chóng của truyền thông thế giới, hiện báo chí truyền thống đang đứng trước sức cạnh tranh rất lớn từ mạng thông tin xã hội. Các cơ quan báo chí cũng đối mặt với vấn đề tài chính. Dự thảo luật báo chí sửa đổi lần này cần phải xây dựng trên thực tiễn đó. Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: "Với việc sửa đổi lần này, các cơ quan báo chí mong chờ Nhà nước tạo điều kiện cho báo chí phát triển không phải bằng việc bao cấp mà là bằng cơ chế để cơ quan báo chí tự chủ và năng động hơn để tạo ra nguồn thu. Các hình thức tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí cần có quy định mở phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông và kinh tế thị trường ví dụ như cho phép cơ quan báo chí đăng tải thông tin trên mạng cá nhân không dây Bluetooth hoặc có thể liên kết các cơ quan báo chí để khai thác quảng cáo và ấn hành".


Một số ý kiến cũng đề nghị dự thảo cần quy định rõ chính sách đầu tư của Nhà nước đối với việc thành lập, giải thể các cơ quan báo chí. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác