(VOV5)- Theo thống kê của Bộ Công thương, chỉ số tồn kho của các ngành sản xuất, công nghiệp tính đến tháng 7 tăng 6%, là mức tăng tương đối cao từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, giá nguyên nhiên liệu đầu vào liên tục tăng thời gian gần đây càng khiến doanh nghiệp khó tăng trưởng sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Tuần này, Bộ Công thương đưa ra Đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gồm nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giải phóng hàng tồn kho, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Tiêu thụ trong nước tập trung phát triển thị trường nội địa
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, một số giải pháp ngắn hạn mà các bộ ngành triển khai thời gian qua bước đầu có hiệu quả, như: hạ lãi suất, giảm thuế, giảm chi phí, kích cầu trong đầu tư...Đề án về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà Bộ Công thương chuẩn bị ban hành sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay: Một là giảm tồn kho của doanh nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ và góp phần đẩy mạnh sản xuất; Hai là tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng dễ bị tổn thương và gặp khó khăn. Nhóm giải pháp tiêu thụ trong nước tập trung phát triển thị trường nội địa, phát triển chương trình các cuộc vận động như người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tăng cường sử dụng hàng hóa mà chúng ta sản xuất được thay cho hàng nhập khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vươn lên đứng vững thị trường trong nước và thị trường bên ngoài.
Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, giải phóng hàng tồn kho
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, nếu làm tốt các giải pháp trong đề án, có thể có tác dụng với doanh nghiệp sau 1-3 tháng. Điều quan trọng để những biện pháp này có thể thành công nhanh là việc thực hiện từ những cơ quan nhà nước cho đến các doanh nghiệp phải hết sức tích cực và khẩn trương, để rút ngắn được độ trễ của chính sách./.