(VOV5) - Kỉ niệm 66 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2013), sáng 27/7, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước đã tới đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
|
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng các Anh hùng liệt sĩ (Ảnh: Chinhphu.vn) |
Tiếp đó, Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đúng vào ngày này cách đây 66 năm, trong bức thư gửi Ban tổ chức lễ mít tinh “Ngày thương binh toàn quốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu”. “Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Cũng từ đó, hàng năm, cứ vào dịp 27/7, Người đều gửi thư thăm hỏi động viên, tặng quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp đó luôn luôn được các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp nối trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay.
Cũng trong ngày 27/7, các đoàn đại biểu: Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, đoàn đại biểu của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã đến tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo TPHCM dâng hương tưởng niệm 44.752 liệt sĩ tại Đền Bến Dược, Củ Chi. Ảnh: VGP/Từ Lương |
Nhân dịp này, các địa phương trong cả nước tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà thương binh, các gia đình chính sách, có công với nước và thắp nến tri ân trên các phần mộ liệt sĩ. Tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tối 26/7, diễn ra lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc duy trì hoạt động “thắp nến tri ân” trở thành ngày hội đền ơn đáp nghĩa là việc làm hết sức có ý nghĩa. “Nhân dịp này, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn đoàn viên thanh niên, với thế hệ trẻ hôm nay rằng: Tri ân thế hệ đi trước, đã hy sinh vì tổ quốc vì hạnh phúc của nhân dân là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nhất là khi chúng ta thể hiện tình cảm đó bằng những hành động thiết thực. Là những người chủ tương lai của đất nước, thanh niên Việt Nam hãy không ngừng phấn đấu học tập, lao động và bảo vệ tổ quốc bằng đam mê, dũng cảm, ý chí. Các bạn hãy phát huy trí tuệ Việt Nam, sức trẻ Việt Nam để góp phần đưa đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và thịnh vượng”.
Tối 26/7, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia 58 Quán Sứ, Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Vang mãi bài ca những cô gái mở đường” nhằm tri ân lực lượng thanh niên xung phong qua nhiều thế hệ. Khán giả được giao lưu với các nhân chứng lịch sử mà tuổi xuân gắn liền với con đường Trường Sơn lịch sử và sự hy sinh anh dũng của thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhấn mạnh:“Chúng tôi rất cảm kích sự hy sinh quyên mình để bảo vệ đất nước của cựu TNXP. Những bài ca đó sẽ thôi thúc lớp trẻ, trong đó có cá nhân tôi. Mình cần phải làm nhiều hơn nữa và thấy được trách nhiệm để có tiếng nói quan tâm nhiều hơn nữa đối với Cựu thanh niên xung phong, những người có nhiều đóng góp cho đất nước. Hoạt động này sẽ được lan tỏa rộng hơn trong xã hội”.
Sáng 27/7, Đại sứ quán, Phòng Tùy viên Quốc phòng, các cơ quan đại diện của Việt Nam, doanh nghiệp và Tổng hội người Campuchia gốc Việt tại Vương quốc Campuchia đã đến dâng hương, đặt hoa tại Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam ở thủ đô Pnom Penh. Ước tính, hiện còn khoảng trên 4.500 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia qua các thời kỳ. Chính phủ hai nước phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành quy tập, cất bốc và hồi hương số hài cốt này.