Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng sự chân thành và việc làm cụ thể

Chuyến công tác tới Mỹ, Canada và Hàn Quốc (9-29/3/2014) của Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Ngoại giao – Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Nguyễn Thanh Sơn dẫn đầu đã thu được những kết quả quan trọng. Tạp chí Quê Hương phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn về kết quả của chuyến đi.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng sự chân thành và việc làm cụ thể - ảnh 1

 Đoàn làm việc với Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, Thương mại
và Phát triển Canada Daniel Jean


PV: Nửa cuối tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng đã dẫn đầu Đoàn công tác liên ngành tới Mỹ, Canada và Hàn Quốc làm công tác cộng đồng. Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của chuyến đi.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Từ ngày 9-29/3 vừa qua, Đoàn công tác liên ngành đã có chuyến đi làm công tác cộng đồng tại Canada, Mỹ và Hàn Quốc. Tại các nước này, Đoàn đã làm việc với đại diện chính quyền sở tại, cũng như với cộng đồng người Việt thuộc nhiều thành phần đa dạng khác nhau: số bảo thủ cực đoan, giới truyền thông báo chí người Việt, doanh nhân, trí thức, số anh chị em cốt cán, cộng đồng lao động, cô dâu, đại diện thế hệ trẻ…

Tại Canada và Mỹ, Đoàn đã có buổi làm việc với giới chức lãnh đạo sở tại như Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada Daniel Jean, Tổng Vụ trưởng Bộ Công dân & Nhập cư Canada Mark Davidson, Thượng nghị sỹ (TNS) bang California – Mỹ Loni Hancock và Thị trưởng thành phố Berkeley Tom Bates… để trao đổi về tình hình cộng đồng người Việt tại Canada, Mỹ, quan hệ song phương và các vấn đề khu vực cùng quan tâm. Nói chung, tại các cuộc gặp, Bạn đều đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của chuyến đi cũng như chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN, khẳng định đóng góp của cộng đồng NVNONN trong việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội sở tại, cũng như thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng sự chân thành và việc làm cụ thể - ảnh 2

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn tặng tranh lưu niệm cho Thượng Nghị sỹ
bang California Loni Hancock và phu quân 

Có một điều khiến tôi trăn trở đó là khi làm việc với bà Loni Hancock - TNS bang California, thì bà cơ bản đánh giá tích cực về cộng đồng người Việt ở Mỹ, nhưng cũng đề cập rất thẳng thắn, mong tôi lưu tâm đến sự mất đoàn kết trong cộng đồng người Việt. Vì chia rẽ, thiếu đoàn kết, nên sức ảnh hưởng của cộng đồng người Việt ở xã hội sở tại lẽ ra mạnh mẽ hơn thì lại chưa được như cộng đồng người Hoa hay một số cộng đồng khác. Thế giới ngày nay là thế giới của hội nhập, của toàn cầu hóa, nên đoàn kết, hữu nghị và hợp tác là mong muốn chung của cả thế giới, chứ không chỉ của một đất nước hay một cộng đồng. Chuyến công tác của chúng tôi cũng không ngoài mục đích bắc thêm nhịp cầu, xóa bỏ sự ngăn cách, thù hận, tiến tới thực sự hòa giải, hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc.

Trên tinh thần đó, Đoàn đã có hàng loạt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở Vancouver, Ottawa (Canada), NewYork, California, Houston (Mỹ) và Hàn Quốc; trao đổi thẳng thắn về tất cả các vấn đề bà con quan tâm, chủ động thông báo tình hình đất nước, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về các vấn đề tự do tôn giáo, thông tin, internet... Đa số kiều bào bày tỏ mong muốn đất nước ổn định, phát triển, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho bà con về nước đầu tư, kinh doanh. Bà con rất vui mừng trước những thông tin mà Đoàn cung cấp về các chính sách cụ thể của Nhà nước Việt Nam tạo thuận lợi và hỗ trợ kiều bào như: quốc tịch, xuất nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, kiều hối, cư trú, hồi hương...; về chính sách nhất quán và quyết tâm giữ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Đoàn cũng dành nhiều thời gian lắng nghe các ý kiến đóng góp của kiều bào đối với việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN (NQ36).

PV: Sau khi chúng ta chủ động thúc đẩy hòa giải, hòa hợp và đoàn kết, thì dư luận đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ cộng đồng NVNONN nói chung, cộng đồng người VN ở Mỹ nói riêng, và đặc biệt là trong một số thành phần cực đoan, bảo thủ. Xin Thứ trưởng cho biết cụ thể hơn về những kết quả này, và so với những cuộc gặp tương tự ở chuyến công tác của ông tới Mỹ năm 2012 thì những cuộc gặp gỡ năm nay có điểm gì mới?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng sự chân thành và việc làm cụ thể - ảnh 3

Đoàn gặp gỡ Việt kiều tại New York, Mỹ 


Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn:
 Thứ nhất, chuyến đi của tôi năm 2012 là chuyến đi đầu tiên mang tính chất đột phá và thăm dò tới những người còn có tư tưởng hận thù với đất nước. Cuộc tiếp xúc lần đầu đó tôi cho là thành công, bởi vì tất cả những nơi tôi đến thì họ đều gặp tôi, đặc biệt ở Texas thì số lượng rất đông. So với chuyến đi năm 2012, thì chuyến đi lần này thành công hơn nữa vì số lượng người gặp đông hơn, thành phần cực đoan bảo thủ, đặc biệt là số cốt cán trong các phong trào chống đối chúng ta, đến gặp nhiều hơn. Tôi cho rằng như vậy là họ đã cởi mở và bắt đầu có niềm tin. Con người ta ai cũng có cội nguồn, cuối đời ai cũng muốn trở về quê hương, cũng muốn thấy quê hương đất nước phát triển tốt đẹp. Tôi hiểu tâm nguyện đó của bà con và mong sẽ đặt những viên gạch, những nền móng để bà con trở về được vững chắc, để thực sự là hòa giải, hòa hợp.

Thứ hai, chúng ta tạo niềm tin cho bà con bằng hành động thực tế của mình. Lời nói phải đi đôi với việc làm. Ta đã biết kết hợp gắn các hoạt động tổ chức trong nước với những mong muốn cụ thể của kiều bào. Ví dụ như nhu cầu của bà con kiều bào muốn tìm hiểu về chủ quyền biển đảo và quyết tâm của chúng ta, về khả năng phòng thủ, về thực trạng quan hệ giữa VN – Trung Quốc… thì song song với những cuộc gặp gỡ, ta có hàng loạt những công việc thực tế đã làm, chứng minh bằng những chuyến đi thăm Trường Sa để bà con tận mắt chứng kiến. Do đó, số kiều bào tham gia đi Trường Sa năm nay đông hơn, trong đó có cả những người từng tham gia nhiều vào các phong trào chống đối ta trước đây.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng sự chân thành và việc làm cụ thể - ảnh 4

Đoàn tiếp xúc với Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt Ngô Thanh Hải
tại Thượng viện Canada 


PV: Một cuộc gặp gỡ rất thu hút sự quan tâm của dư luận cộng đồng trong chuyến công tác này của Thứ trưởng đó là cuộc gặp của ông với TNS Ngô Thanh Hải (Canada). Nhưng sau cuộc gặp này thì ông Hải đã có cuộc trả lời phỏng vấn Đài Châu Á Tự do (RFA) với những ý kiến chưa tích cực lắm. Vậy Thứ trưởng nhìn nhận như thế nào về việc này?
 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: (Cười) Tôi cho là thực tế thì vẫn là thực tế thôi! Cuộc gặp của chúng tôi diễn ra tốt đẹp trong không khí cởi mở, thẳng thắn, tôn trọng ý kiến lẫn nhau.

Tại cả cuộc gặp riêng lẫn cuộc gặp chung có sự chứng kiến của đại diện Bộ Ngoại giao Canada, ông Ngô Thanh Hải không đưa cho tôi một bản danh sách nào mà chỉ nói miệng đề nghị Việt Nam xem xét thả một số nhân vật hiện đang bị chúng ta giam giữ. Tôi đã giải thích rằng đây là những trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam và khẳng định việc xét xử những người này được tiến hành công khai, đúng người, đúng tội. Về tư tưởng thì ông Ngô Thanh Hải hoàn toàn đồng ý với tôi về những vấn đề tôi nêu. Khi nói về ông Nguyễn Văn Lý, ông Hải đồng ý rằng thực tế đó là con người quậy phá bởi vì ông có xem những clip quay ông Nguyễn Văn Lý đạp vành móng ngựa xông lên chửi bới Hội đồng thẩm phán. Ông nói với tôi là: Thôi, ông ta là con người quậy phá nhưng ông ta tàn tật rồi thì xin các ông xem xét. Tôi còn nói vui với ông Hải là ông có đồng ý đưa cha Lý sang đây với ông thì ông bảo lãnh chúng tôi sẽ thả. Tôi nói vậy với hai ý: Một là “chúng tôi sẽ đề xuất với Chính phủ”; hai là “chúng tôi sẽ thả”. “Chúng tôi” ở đây tức là Nhà nước VN, chứ không phải là cá nhân tôi, vì cá nhân tôi sao có đủ thẩm quyền? Cho nên tôi nghĩ có lẽ ông Hải đã trả lời RFA không chính xác, vì đã bỏ chữ “chúng” đi. Có những điều tôi không nói lại được ở đây vì đó là cuộc gặp riêng và tôi tôn trọng những gì chúng tôi đã thống nhất với nhau. Tôi rất thông cảm với ông Ngô Thanh Hải vì ông còn phải sống và sinh hoạt trong một cộng đồng còn có một số thành phần cực đoan, chưa muốn hiểu hết về tình hình đất nước và ông Hải muốn giữ vị trí cũng như uy tín của ông trong cộng đồng đó. Tôi nghĩ những gì ông Ngô Thanh Hải trả lời RFA thì đó là sự trang trải của ông với cộng đồng những người bảo thủ, cực đoan mà ông đang sinh hoạt thôi, còn với danh dự của một Thượng nghị sĩ Canada chắc trong tâm ông nghĩ khác.

PV: Vậy sau cuộc gặp gỡ này thì những cuộc gặp gỡ sau nếu có với TNS Ngô Thanh Hải sẽ như thế nào ạ?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Tôi cho là nếu ông Ngô Thanh Hải còn dũng cảm gặp tôi thì chúng tôi có lẽ sẽ công bố công khai những vấn đề mà chúng tôi trao đổi với nhau, nếu ông đồng ý. Sau khi gặp riêng với tôi thì ông Ngô Thanh Hải hoàn toàn có một suy nghĩ rất khác và ông bày tỏ quan điểm là rất muốn trở về Việt Nam. Ông không dưới 3 lần đề nghị tôi có “Invitation” (Giấy mời) để ông về nước (ông nói bằng tiếng Anh với tôi câu này). Nếu ông Hải có mong muốn trở về thì tôi sẽ mời ông về, nhưng mời với tư cách cá nhân. Còn nếu ông muốn đi theo con đường Quốc hội thì phải trên cơ sở hợp tác giữa hai Quốc hội, bởi chức danh TNS của ông là được cử chứ không phải do bầu cử.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng sự chân thành và việc làm cụ thể - ảnh 5
 
Đoàn gặp gỡ bà con người Việt ở Ottawa, Canada



PV: Tháng 4 này, Ủy ban sẽ tổ chức Đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa và có các hoạt động tri ân, tưởng niệm những người đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo quê hương. Xin Thứ trưởng giới thiệu rõ hơn với độc giả về những điểm mới và ý nghĩa của hoạt động này?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Chính sách hòa hợp hòa giải, đại đoàn kết dân tộc phải được thực hiện bằng những bước đi, những biện pháp hết sức cụ thể của cả hệ thống chính trị. Một trong những vấn đề bà con kiều bào, kể cả những người chống đối, rất quan tâm đó là quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta. Chính vì vậy mà năm nay là năm thứ 3 Ủy ban Nhà nước về NVNONN được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức cho kiều bào ra thăm Trường Sa. Và năm nay chúng tôi muốn có bước đi rất cụ thể để chứng minh cho bà con, đặc biệt là những người có tư tưởng cực đoan, thấy rằng chúng ta muốn hòa giải hòa hợp thực sự. Chúng tôi đã mời một số thành phần còn có tư tưởng chống đối quyết liệt trực tiếp ra Trường Sa để tận mắt chứng kiến những việc chúng ta đang làm. Đó là thực tế biển đảo chúng ta đang có với tuyên bố chủ quyền của chúng ta; là cuộc sống hòa bình hữu nghị đang diễn ra trên các hòn đảo ngoài quần đảo Trường Sa. Đó là ý chí kiên cường của Lực lượng vũ trang của chúng ta, là quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải đến cùng, là tinh thần quả cảm sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào vì đất nước, vì chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. 4,5 triệu người VN ở bên ngoài không có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng đó thì chúng ta đang thay mặt bà con làm tốt những việc này với niềm tin và quyết tâm chắc chắn là chúng ta không bao giờ để mất chủ quyền biển đảo. Chúng ta dứt khoát đòi lại những cái chúng ta bị chiếm giữ trái phép nhưng bằng biện pháp hòa bình, chứ không bằng bạo lực, và những việc làm này đang gây được thiện cảm của quốc tế.

Đặc biệt, trong dịp này, sẽ tổ chức Đại lễ cầu siêu ở đảo Trường Sa Lớn cho tất cả những người con đất Việt qua nhiều thế hệ từ trước tới nay đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và đồng bào cùng bạn bè quốc tế tử nạn trên Biển Đông.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng sự chân thành và việc làm cụ thể - ảnh 6

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đến thăm gia đình bà Phùng Tuệ Châu, Việt kiều tại Mỹ

Cụ thể hơn, bên cạnh việc cầu siêu cho những người đã hy sinh thân mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chúng ta còn cầu siêu cho những bà con đã ra đi trong những năm 70, 80 và đầu những năm 90 mà người ta vẫn quen gọi là thuyền nhân, đã tử nạn trên vùng biển Đông. Chúng ta cần hiểu đúng về sự ra đi của họ. Họ ra đi không phải vì hận thù với đất nước, mà vì chưa hiểu đúng về chế độ, vì mưu cầu một cuộc sống khác tốt hơn trong khi chúng ta còn khó khăn. Thực tế thì đa số bà con ra đi lúc đó đến giờ thành đạt ở nước ngoài đều hướng về đất nước và rất nhiều người chúng tôi gặp ở Canada, ở Mỹ, Hồng Kong, Anh, Úc, Bỉ… đều là những người sẵn sàng cùng nhân dân trong nước đóng góp xây dựng Tổ quốc.

Với Lễ cầu siêu này, chúng ta mang hơi ấm của đất liền, mang tình thương của dân tộc để sưởi ấm cả vùng biển Đông, sưởi ấm cho linh hồn họ, mong muốn cho linh hồn họ siêu thoát trở về với gia đình thì tức là chúng ta đã thực hiện bước đi cụ thể nhằm xóa bỏ hận thù, hòa giải hòa hợp, tạo ra cho đất nước – dân tộc chúng ta một sức mạnh tổng thể, đó là đại đoàn kết dân tộc.

 PV: Xin Thứ trưởng cho biết là tới đây - sau Hội nghị tổng kết 10 năm NQ36 của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN, thì chủ trương “hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng những biện pháp, việc làm cụ thể” như trên ông đã nói sẽ được thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Mong muốn của chúng ta là hòa giải, hòa hợp để tiến tới đại đoàn kết toàn dân tộc. NQ 36 đã xác định hướng đi chiến lược trong công tác đối với NVNONN, coi cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời của dân tộc, là nguồn lực quan trọng của đất nước. Sắp tới, sau tổng kết 10 năm NQ 36, chúng ta phải có bước đi tiếp theo rất cụ thể.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng sự chân thành và việc làm cụ thể - ảnh 7

Đoàn công tác gặp gỡ và trò chuyện với Việt kiều tại Hàn Quốc 

Một trong những hướng đi tiếp theo tôi cho là phải nghiên cứu lại thật kỹ một số vấn đề lịch sử để có đánh giá công tâm kể từ khi thành lập nhà nước VN Dân chủ Cộng hòa đến bây giờ; thậm chí xa hơn nữa từ triều đại nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng, trước khi chúng ta bước vào thời đại Hồ Chí Minh, thì chúng ta cũng phải nhìn lại, đánh giá cả quá trình. Qua đó, để có cái nhìn công bằng, đánh giá khách quan về công trạng của các bậc tiền bối của chúng ta trong các triều đại phong kiến xưa. Vì nếu chúng ta khẳng định chủ quyền của chúng ta với biển Đông, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa thì các triều đại ông cha chúng ta trước đây, mà gần đây nhất là hơn 100 năm trị vì của nhà Nguyễn, thì chúng ta đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa rồi. Chúng ta có đầy đủ các bằng chứng pháp lý và cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh sự thật hiển nhiên này qua các giai đoạn lịch sử có liên quan. Vì vậy, việc lấy từ thời đại nào để đánh giá lịch sử, rồi từ đó dẫn đến các thế hệ sau này, là cần xem xét. Trên cơ sở đó, có những bổ sung đánh giá về lịch sử, tu chỉnh lại từ ngữ cho hợp lý, cho đúng với thực chất của vấn đề trong tất cả các văn kiện chính trị cũng như sách giáo khoa.

Nhiều ý kiến của kiều bào bên ngoài nêu tại sao đến giờ chúng ta vẫn cứ dùng những từ ngữ phân biệt hoặc có phần chưa mang tính hòa giải đối với những người thuộc chế độ Sài Gòn cũ. Thế thì theo tôi là phải có nhìn nhận, đánh giá khách quan, công bằng trên nền tảng đạo lý truyền thống của dân tộc “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Từ đó mới đi vào đời sống thường ngày của chúng ta thông qua nhận thức của cả xã hội từ Trung ương tới địa phương về cách đặt vấn đề với lịch sử, với quá khứ, với thực tế, với bản chất của cộng đồng người VN ở bên ngoài.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Hòa giải, hòa hợp dân tộc bằng sự chân thành và việc làm cụ thể - ảnh 8

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và 2 gia đình cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc

Bước đi cụ thể tiếp theo, như tôi đã nói, là bằng các hoạt động của Ủy ban Nhà nước về NVNONN, chúng ta đã làm tốt và chúng ta tiếp tục làm tốt. Rồi có thể có những hoạt động mới phù hợp với điều kiện thực tế, với hiện tại khách quan. Rất nhiều biện pháp chúng ta đã làm ví như vấn đề Nghĩa trang Biên Hòa, hiện đang ngày một trở nên khang trang, đẹp đẽ. Chúng ta đã cho trồng hoa quanh lễ đài, làm đường nhựa, rồi theo nguyện vọng của bà con, Tỉnh Bình Dương đã xây ban thờ rất lớn... Đấy cũng là một bước đi cụ thể của hòa giải, hòa hợp. Nhưng tìm ra bước đi cụ thể rồi thực hiện những bước đi đó, phải có những con người dũng cảm, đột phá, phải có cái tâm, có sự chân thành… Nên chúng tôi đang cố gắng làm những gì trong thẩm quyền mình làm được, để không hổ thẹn với lương tâm, để đưa bà con trong và ngoài nước xích lại gần nhau hơn nữa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Thanh Mai/quehuongonline.vn

Phản hồi

Các tin/bài khác