(VOV5) - Trong hai ngày 2 và 3/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 nhằm đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm nay. Theo đánh giá chung tại phiên họp: kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm nay chuyển biến tích cực, đúng hướng và đúng mục tiêu đề ra với kết quả đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực.
|
Ảnh: VGP |
Rõ nhất là mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát thành công, kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì tăng trưởng 4,38% gắn với chuyển động bước đầu trong tái cơ cấu nền kinh tế. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng hơn 22% so với cùng kỳ, dư nợ tín dụng và sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng dần trở lại, hầu hết các ngành sản xuất nông nghiệp đều tăng trưởng cao hơn năm ngoái...Đây là cơ sở cho thấy triển vọng kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm sẽ chuyển biến tốt hơn nếu như giải quyết tốt các nút thắt đối với nền kinh tế. Về các giải pháp tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ quan điểm: “Muốn tăng tổng cầu, giảm tồn kho tăng sức mua thì tín rất quan trọng. Tôi đề nghị đưa tín dụng vào tăng lên khoảng 10% là thành công, phần trăm đó đẩy vào nông nghiệp nông thôn, nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu, vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ. Thứ hai là gắn với đó phải giải quyết nợ xấu linh hoạt. Không chỉ chờ lập công ty mua bán nợ mà cách nào đó nợ xấu có tài sản thế chấp 80%, có dự phòng rủi ra thì xử lý đúng luật pháp, đúng quy định, phải kiên định cơ cấu lại các ngân hàng không để lập lại các ngân hàng yếu kém”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức 7 đến 8%, kéo xuống thấp hơn trong những năm sau theo hướng ổn định. Thủ tướng cũng yêu cầu từng Bộ trưởng trong tháng 7 trình phương án tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tập trung vào ngành nghề chín…
Cũng trong phiên họp Chính phủ tháng 6, các thành viên Chính phủ đã đóng góp ý kiến về Lộ trình và phương án giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng; Phương án thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo cơ chế thị trường; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và một số dự án luật quan trọng khác./.