(VOV5)- Trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Belarus, chiều 17/05, tại thủ đô Minsk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Cộng hòa Belarus Alexander Lukashenko.
Tại cuộc hội kiến, hai bên thảo luận các biện pháp nhằm tăng kim ngạch song phương, cân bằng cán cân thương mại, tăng đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới; nhất trí tăng cường hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế thương mại và khoa học kỹ thuật, quyết tâm thực hiện tốt kế hoạch đề ra trong Chương trình Hợp tác kinh tế giai đoạn 2013 – 2015; có những biện pháp hỗ trợ xuất nhập khẩu giữa hai nước; thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam với Liên minh Hải quan Belarus – Kazakhstan – Nga sớm kết thúc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống A. Lukashenko (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Về phần mình, Tổng thống Alexander Lukashenko khẳng định Việt Nam là đối tác chiến lược của nước này tại khu vực Đông Nam Á. Tổng thống Lukashenko cho biết Chính phủ Belarus quyết định sẽ có hỗ trợ ưu đãi về tín dụng và bảo hiểm xuất nhập khẩu, cam kết xem xét dỡ bỏ một số rào cản hành chính và thuế quan để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hai bên hợp tác đầu tư kinh doanh. Trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, Belarus nhất trí tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Belarus học tập.
Trước đó, sáng nay, theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện Hội Hữu nghị Belarus – Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Belarus.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam đã luôn phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp tích cực cho việc phát triển quan hệ hai nước cũng như làm tốt công tác hỗ trợ cộng đồng.
Khẳng định những đóng góp của cộng đồng Việt Nam tại Belarus vào việc phát triển quan hệ hai nước, Thủ tướng cho rằng cộng đồng người Việt tại Belarus tuy số lượng không đông, nhưng mỗi người là một nhịp cầu nối hữu nghị góp phần quảng bá về đất nước, văn hoá và con người Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn cộng đồng người Việt luôn giữ gìn bản sắc dân tộc và tiếng Việt, quan tâm đến việc giáo dục thế hệ thanh thiếu niên, hướng về quê hương đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus từ ngày 12-17/5/2013. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Đêm 17/05, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời Thủ đô Minsk về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức cộng hòa Belarus. Nhân dịp này, hai bên ra thông cáo chung về kết quả chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Cộng hoà Belarus.
Thông cáo nêu rõ hai bên nhất trí tiếp tục tích cực trao đổi đoàn cấp cao nhằm thể hiện quyết tâm chính trị, tạo động lực củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, quốc phòng, an ninh, khoa học - công nghệ… Hai Thủ tướng khẳng định quyết tâm cùng nhau nỗ lực để đưa hợp tác kinh tế thương mại giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Belarus lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng hiện có của hai nước. Lãnh đạo hai Chính phủ thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi để giới doanh nghiệp hai nước phát triển hợp tác, bao gồm việc trao đổi đoàn thường xuyên, tham gia vào các hoạt động hội chợ, triển lãm, thành lập các liên doanh (Trung tâm) thương mại. Phía Belarus cam kết bảo đảm các điều kiện tương ứng để thành lập các liên doanh Việt Nam - Belarus chế biến hàng hóa nhập từ Việt Nam, trong đó có cà phê, chè và các sản phẩm y học cổ truyền trên lãnh thổ Belarus.
Belarus và Việt Nam sẵn sàng tiếp tục trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác nhiều mặt trên trường quốc tế, bao gồm các vấn đề về an ninh quốc tế và khu vực, chống khủng bố, biến đổi khí hậu và các vấn đề khác; xem xét ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức và diễn đàn quốc tế. Hai bên cũng thống nhất quan điểm về vai trò trung tâm và điều phối của Liên hợp quốc trong việc duy trì an ninh toàn cầu, thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế và xã hội, cũng như đối phó với các mối đe dọa và thách thức toàn cầu, trong đó có việc đấu tranh chống nạn buôn người. Hai nước cũng thỏa thuận tích cực phối hợp hành động trên trường quốc tế và phản đối việc chính trị hóa vấn đề nhân quyền. Bên cạnh đó, ủng hộ việc duy trì hoà bình và ổn định, an toàn và an ninh hàng hải ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế./.