Các doanh nghiệp nước ta vừa ký kết thành công hợp đồng xuất khẩu gạo và các loại mặt hàng nông sản, thủy sản với các công ty của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) tại hội chơ gạo quốc tế Du-bai. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lương Lê Phương nhận định đây là cơ hội vàng để nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường tiềm năng và có thể nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Đông.
PV: Thưa thứ trưởng, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các doanh nghiệp Việt Nam đã có chuyến đi thành công “mang chuông đánh xứ người” tại hội chơ gạo quốc tế Du-bai, Thứ trưởng cho biết những kết quả đã đạt được?
Thứ trưởng Lương Lê Phương (TT LLP): Chúng ta đạt được cả hai mục tiêu. Mục tiêu thứ nhất là qua bên đó chúng ta được tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, tổ chức của Duba nói riêng và của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất nói chung. Thứ hai là một số doanh nghiệp đã ký được hợp đồng cụ thể. Ví dụ như một công ty lương thực ở tỉnh An Giang đã ký được hợp đồng xuất khẩu 25 nghìn tấn gạo sinh thái và một doanh nghiệp khác ký được hợp đồng 2.500 tấn gạo jasmine. Ngoài ra, một công ty thủy sản ở Kiên Giang ký được hợp đồng xuất khẩu mỗi tháng 5 container thủy sản đóng hộp và một container hạt tiêu.
Đặc biệt, khi đoàn Việt Nam bày tỏ mong muốn có một trung tâm xúc tiến thương mại ở Dubai, ông Trần Ngọc Thạch (đại sứ Việt Nam ở các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) đã giới thiệu cho tôi gặp tỷ phú Mahendra, ông Mahendra đã rất ủng hộ và tình nguyện cho phía Việt Nam mượn sử dụng một tòa nhà ở Khu kinh tế tự do để làm trung tâm xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó ông còn là chủ tịch tập đoàn GEAP, tập đoàn này kinh doanh rất là nhiều các mặt hàng trong đó có cung cấp thực phẩm cho vùng Dubai, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và tất cả các nước Trung Đông. Do vậy, đây là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với tập đoàn GEAP để đưa hàng nông thủy sản Việt Nam ra toàn khu vực.
PV: Như thứ trưởng vừa cho biết, Trung tâm xúc tiến thương mại ở Dubai sẽ giúp ích như thế nào cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Trung Đông thông qua cửa ngõ quan trọng là thị trường Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất?
TT LLP: Nếu chúng ta có Trung tâm xúc tiến thương mại này thì tôi dự kiến chúng ta giới thiệu trưng bày các sản phẩm nông lâm thủy sản tại Dubai và tổ chức hội nghị khách hàng các nước Trung Đông tại đây để chúng ta ký kết những hợp đồng xuất khẩu lớn. Đáng chú ý là Trung tâm này gần với cảng của Dubai, đây là cảng rất là lớn, nó là cảng trung chuyển vùng Trung Đông. Tôi nghĩ, tương lai Việt Nam xuất khẩu hàng hóa nói chung, đặc biệt là hàng nông thủy sản sang vùng Trung Đông rất là thuận lợi.
PV: Thứ trưởng có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị các điều kiện như thế nào để mặt hàng nông sản Việt Nam tạo lòng tin và chiếm lĩnh được thị trường Trung Đông?
TT LLP: Qua chuyến đi chúng ta nắm một cách cơ bản về thị hiếu của khách hàng thị trường này thì chúng ta nên tổ chức vùng nuôi trồng nguyên liệu, đảm bảo đủ nguyên liệu để cung ứng cho thị trường. Thứ hai đây là một thị trường đa số là người theo đạo hồi rất ít ăn thịt, đặc biệt là thịt lợn, mà họ thường ăn thủy sản, thủy sản loại cao cấp phục vụ cho người giàu có của Dubai nói riêng và của Trung Đông nói chung và một số mặt hàng trung bình để phục vụ cho người lao động nhập cư. Thứ ba, chất lượng là vấn đề rất là quan trọng, tôi đề nghị các doanh nghiệp nuôi trồng các nông sản, thủy sản không nên sử dụng hóa chất kháng sinh như là tăng trưởng, tăng trọng bảo quản mà nó có hại cho người tiêu dùng thì chúng ta mới giữ được thị trường lâu dài. Đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan thẩm quyền cùng với doanh nghiệp giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện cho tốt thì chúng ta mới đứng chân trên thị trường Trung Đông lâu dài./.
Vâng, xin cảm ơn Thứ trưởng!
Lê Phương thực hiện