UBTVQH thảo luận Đề án lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ được bầu,phê chuẩn
|
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tờ trình. |
(VOV5) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, sáng nay (14/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Thảo luận tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng Đề án vào thời điểm hiện nay nhằm triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, đồng thời tham mưu, giúp Quốc hội, Hội đồng nhân dân tìm ra các giải pháp khắc phục điểm hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, góp phần đưa Hiến pháp và các quy định của pháp luật về bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đi vào cuộc sống. Về phạm vi những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, hiện vẫn còn ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giới hạn phạm vi người được lấy phiếu tín nhiệm, ở trung ương là từ cấp bộ trưởng trở lên, ở địa phương gồm thường trực Hội đồng nhân dân, các thành viên của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Quy định như vậy phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 là tập trung vào các chức danh, lãnh đạo quản lý các cấp. Đồng thời, việc thu hẹp phạm vi người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm sẽ đảm bảo tính khả thi, không dàn trải và tránh hình thức. Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lại đề nghị, phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm bao gồm tất cả những người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Ông Đào Trọng Thi nêu ý kiến: “Đây là lấy phiếu tín nhiệm gắn với việc đánh giá cán bộ hàng năm. Nên tôi đề nghị là cũng phải làm cho tất cả mọi người, chỉ khác nhau là có thể phân cấp. Ví dụ như tôi đồng ý là phương án 1 đi đến bước làm trên phạm vi toàn Quốc hội. Còn những người không nằm trong danh sách đó như các phó chủ nhiệm, các uỷ viên Uỷ ban thì làm ở mức Uỷ ban. Như vậy người đó cũng được đánh giá vì nhu cầu đánh giá cán bộ là nhu cầu thường xuyên của mọi cán bộ, công chức”.