(VOV5)- Tại hội thảo về làng cổ Đường Lâm với chủ đề “Suy nghĩ về các giá trị của Làng cổ Đường Lâm”, diễn ra chiều 17/11 tại Tokyo, Nhật Bản, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản nêu bật giá trị đặc trưng của Đường Lâm. Giá trị đó không chỉ nằm ở những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm mà nó còn bao gồm các lễ hội truyền thống, các món ăn đặc sản dân dã, cảnh quan nơi ở và cả những mối quan hệ dòng họ, nét sinh hoạt của gia đình.
Hội thảo về làng cổ Đường Lâm - Ảnh: Hoàng Liên Sơn-Việt Dũng
Giáo sư Hiromichi Tomoda, giám đốc Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế thuộc Trường Đại học nữ Chiêu Hòa, người đã có nhiều năm tham gia vào dự án bảo tồn Làng cổ Đường Lâm, cho rằng ngôi làng là một “bảo tàng sống” về nông thôn truyền thống của Việt Nam: “Làng Đường Lâm hoàn toàn xứng đáng là một di sản thế giới Ngôi làng có trong mình đầy đủ những yếu tố của một di sản thế giới xét cả về lượng và chất thể hiện ở các yếu tố như những ngôi nhà truyền thống, cảnh quan của ngôi làng. Ngôi làng cũng có rất nhiều những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của Việt Nam mà người Việt Nam nào cũng phải thừa nhận.”
Cổng làng Đường Lâm - Ảnh: Hoàng Thịnh
Giáo sư Tomoda ủng hộ việc đề cử Đường Lâm vào di sản văn hóa thế giới của Unesco bởi điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng công tác bảo tồn.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam cùng chia sẻ kinh nghiệm về việc phát triển du lịch nhằm bảo tồn di sản.
Hoàng Liên Sơn, phóng viên VOV tại Nhật Bản