Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 16

(VOV5) - Phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 khai mạc sáng nay, tại Hà Nội và kéo dài đến ngày 22/3, thảo luận nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho kì họp thứ 5 sắp tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 16 - ảnh 1

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 dự án Luật và pháp lệnh, trong đó có 2 dự án Luật quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1 ngày để chất vấn trực tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của 2 bộ, ngành này.

Một nội dung đặc biệt quan trọng khác là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kì họp thứ 5 tới. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Để việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn thành công thì chúng ta sẽ thảo luận kĩ hơn kế hoạch để triển khai nội dung này. Đây là lần đầu tiên chúng ta làm nên cần tiến hành thận trọng, chuẩn bị kĩ càng để việc lấy phiếu trở nên thực chất, có tác dụng đúng như tinh thần mà Quốc hội đã ban hành nghị quyết”.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng trong phiên họp sáng nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: việc sửa đổi, bổ sung chỉ được đặt ra trên cơ sở xác định những vấn đề bức thiết, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có tổng kết, đánh giá quá trình thực thi Luật hiện này, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện để đón đầu những chủ trương mới trong tương lai.

Cũng trong sáng nay, Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác