Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật đất đai (sửa đổi)

(VOV5)- Sáng 17/9, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 14 chương, 190 điều, tăng thêm 6 chương và 44 điều so với Luật Đất đai hiện hành.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật đất đai (sửa đổi) - ảnh 1
Một phiên họp của ủy ban thường vụ quốc hội - Ảnh: vnexpress.net

Dự thảo Luật quy định việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện để khắc phục tình trạng thiếu tính liên kết, đồng bộ trong quy hoạch giữa các tỉnh, các vùng, đồng thời tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian lập quy hoạch sử dụng đất, nhất là cấp xã. Dự thảo Luật quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố đồng thời tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để tạo quỹ đất “sạch”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng có điểm mâu thuẫn trong quy định này: “Thu hồi theo kế hoạch sử dụng đất có nghĩa là kế hoạch sử dụng đất được duyệt là căn cứ để thu hồi. Khi quy hoạch sử dụng đất thì tiếp sau đó còn quy hoạch gì nữa rồi mới đến làm việc đó. Còn nếu có quy hoạch sử dụng đất mà đến thu ngay thì để đất làm gì. Thu ngay mà đường chưa làm, chưa tính dự án làm đô thị mà anh đã căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để thu thì lúc bấy giờ tính thế nào mặc dù lúc đền bù giải tỏa đã nói rồi. Khi chưa giải quyết tái định cư, chưa giải quyết nhà ở, chưa giải quyết việc làm thì chưa thu hồi. Thế là hai chỗ mâu thuẫn”

 Quy định kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp cho cá nhân và hộ gia đình là 50 năm được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cao, vì cho rằng quy định như vậy nhằm khắc phục sự bất bình đẳng giữa thời hạn sử dụng đất của nông dân và doanh nghiệp. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần chủ động nắm bắt tinh thần, chủ trương sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để thiết kế các quy định của dự án Luật phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi) và vẫn giữ đúng tiến độ, thời gian thông qua dự án Luật, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri cả nước./.

Phản hồi

Các tin/bài khác