(VOV5) - Báo cáo về hiện trạng môi trường quốc gia cho thấy, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị của Việt Nam tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm
Chất thải rắn sinh hoạt đô thị năm 2015 của Việt Nam đã tăng gấp 1,6 lần so với năm 2010, dự báo đến năm 2020 sẽ tăng gấp 2,37 lần và năm 2025 là 3,2 lần của năm 2010. Với lượng rác thải phát sinh như hiện nay thì đến năm 2025 mỗi người Việt Nam sẽ thải ra khoảng 1,6kg rác 1 ngày. Đây là cảnh báo được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Quản lý chất thải rắn đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn" do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 14/08, tại Hà Nội.
Toàn cảnh hội thảo. - Ảnh: Báo Tài Nguyên môi trường |
Báo cáo về hiện trạng môi trường quốc gia cho thấy, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị của Việt Nam tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm, trong đó chất thải rắn sinh hoạt chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Để công tác quản lý chất thải rắn đô thị đạt hiệu quả cao, cần có sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế, bắt nhịp với các phương thức, công cụ quản lý tiên tiến, hiệu quả trên thế giới, cũng như tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ hàng đầu trong việc xử lý chất thải rắn đô thị. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng: Việt Nam đang nghiên cứu đưa vào những văn kiện cao nhất của đất nước và sẽ triển khai thực hiện vấn đề này. Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bắt đầu từ khai thác tài nguyên, sản xuất tiêu dùng và cuối cùng là thải bỏ thì kinh tế tuần hoàn hướng tới khôi phục và tái tạo để sản xuất các sản phẩm khác.Qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí khai thác tài nguyên mới và chi phí xử lý rác thải.
Tại Việt Nam cũng có một số mô hình kinh tế tuần hoàn để quản lý chất thải rắn. Điển hình như Mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng, giúp tiết kiệm 6,5 triệu đô la Mỹ/năm; các mô hình sản xuất sạch hơn; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm,…) tạo ra Chitosan và SSE; sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên; sáng kiến tái chế nắp bia Tiger thành sắt làm cầu.