Việt Nam mong muốn Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hệ thống pháp luật
(VOV5)- Tiếp tục chương trình làm việc tại Nhật Bản, tối 04/07, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp với Chánh án Tòa án Tối cao Nhật Bản Takesaki Hironbobu và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Taki Makoto.
Tại cuộc gặp với Chánh án Tòa án Tối cao Nhật Bản Takesaki Hironbobu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các kết quả hỗ trợ và hợp tác của Tòa án Tối cao Nhật Bản trong 15 năm qua trong khuôn khổ dự án JICA đã góp phần nâng cao năng lực cho các cơ quan Tòa án Việt Nam trên nhiều phương diện, phù hợp với các yêu cầu cải cách tư pháp của Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh sau khi sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992, Quốc hội Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức tòa án và thể chế về tố tụng tư pháp. Do đó, Việt Nam mong muốn Tòa án Tối cao Nhật Bản cùng với Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự - kinh tế, pháp luật tố tụng và đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư, nhất là đội ngũ luật sư công đủ khả năng đại diện cho Chính phủ tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Ngày 5/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam có cuộc hội đàm với Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren) Hiromasa Yonekura và ban lãnh đạo tổ chức này.Tại đây, Chủ tịch Yonekura vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và mong muốn đóng góp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Việt Nam thông qua thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và đối tác Việt Nam. Ông hy vọng thông qua chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hiểu rõ hơn các nhu cầu của Việt Nam trong hợp tác phát triển kinh tế.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẵn sàng đóng góp những gì có thể để hỗ trợ Nhật Bản sớm vượt qua thời kỳ khó khăn.Trong bối cảnh kinh tế thế giới trì trệ hiện nay, để vượt qua khó khăn, Chính phủ Việt Nam xác định cần tái cơ cấu nền kinh tế, hệ thống tài chính, tiền tệ cũng như hoàn thiện hệ thống luật pháp. Về mục tiêu trung và dài hạn, Chính phủ Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực quản lý kinh tế hiệu quả, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2020 và quan tâm đến hợp tác công-tư hiệu quả, nhà nước và tư nhân cùng chia sẻ rủi ro và cùng có lợi.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản làm ăn tại Việt Nam và cho biết hầu hết các doanh nghiệp Nhật Bản đã thành công tại Việt Nam. Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rời Tokyo lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Nhật Bản.