(VOV5)- Kết quả của những buổi tham vấn, do Liên Hợp Quốc hỗ trợ, với các công dân Việt Nam về một tương lai mà họ mong muốn, đã được trình bày hôm nay tại Hội thảo “Tham vấn quốc gia Chương trình phát triển sau năm 2015”, diễn ra ở Hà Nội.
Hội thảo là kết quả sau gần 3 tháng các cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thực hiện các tham vấn với 8 nhóm đối tượng trong xã hội, nhằm đóng góp cho Liên Hợp Quốc quyết định về một chương trình phát triển của thế giới sau năm 2015. Với những thành tựu đạt được về các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam được Liên Hợp Quốc xác định là một trong những quốc gia tiến hành tham vấn quốc gia để lắng nghe tiếng nói của người dân.
iệt Nam đang trên đường hướng tới hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ
Tại Hội thảo, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nêu rõ, Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và nghiêm trọng. Đồng thời, mỗi mục tiêu Thiên niên kỷ cũng chứa đựng các thách thức nội tại cần phải giải quyết như mất cân bằng vùng miền, nhóm dân tộc. Nhiều khía cạnh cụ thể của mục tiêu cũng xuất hiện các vấn đề mới đòi hỏi cách tiếp cận mới và giải pháp mới như vấn đề nghèo đô thị, mất cân bằng giới tính, ô nhiễm môi trường.. Việc tiếp tục những nỗ lực thực hiện MDGs là cần thiết, không dừng lại vào năm 2015 mà cho cả các năm tiếp theo: Chương trình phát triển sau năm 2015 cần phản ánh thế giới chúng ta đang sống ngày hôm nay và tính đến những vấn đề chưa đạt được trong MDGs thông qua năm 2000. Chương trình phát triển mới phải giải quyết các mục tiêu xã hội, môi trường và kinh tế một cách tổng thể. Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong việc thực hiện MDGs, song Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để đạt được các mục tiêu này ở từng làng, bản, tỉnh, thành. Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu chưa đạt được, đồng thời vận dụng kinh nghiệm của mình để tích cực đóng góp cho cuộc hội thảo toàn cầu về chương trình phát triển sau năm 2015.
Tại Hội thảo, đại diện các nhóm được tham vấn đã nói lên những thách thức và nguyện vọng riêng của họ như nhu cầu công việc, y tế, giáo dục, đào tạo nghề. Những thông tin này sẽ rất hữu ích, không chỉ đối với quá trình tham vấn toàn cầu của Liên Hợp Quốc mà còn đối với cả quá trình phát triển và hoạch định chính sách tại Việt Nam./.