Âm vang cồng chiêng đón chào xuân mới

(VOV5) - Với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, từ bao đời nay, mùa “ăn năm uống tháng” (kéo dài từ tháng cuối đông đến tháng đầu xuân) luôn là mùa của lễ hội, của niềm vui. Khi ấy, tiếng cồng, tiếng chiêng âm vang rộn ràng, gắn kết con người với trời đất, cộng đồng. Không gian văn hóa cồng chiêng đã trở thành một phần quan trọng trong di sản văn hóa nhân loại, vì vậy, việc gìn giữ, phát huy để âm thanh ấy vang mãi, càng có ý nghĩa quan trọng đối với  nhiều buôn làng ở Tây Nguyên.


Âm vang cồng chiêng đón chào xuân mới - ảnh 1
Ảnh: http://unescovietnam.vn


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Qua bàn tay những nghệ nhân già và cả những bạn trẻ chưa đầy đôi mươi ở làng Dăng (xã Ia O), những bản chiêng Ja Rai vang lên như tiếng suối tuôn, mưa xối và tiếng náo nức của lòng người đón mừng năm mới. Tiếng chiêng sôi sục, xua tan tiết trời hanh lạnh và không gian vắng lặng của cả vùng biên giới xa xôi. Bên chén rượu cần được đặt cạnh cây nêu ở giữa sân nhà rông truyền thống của làng Dăng (xã Ia O), già Rơ Mah Yơh, 78 tuổi, cho biết cồng chiêng đã gắn liền với đồng bào nơi đây từ rất nhiều đời. Ngày lễ, ngày hội hay dịp trọng đại nào cũng đều phải có cồng chiêng, có rượu cần để say, để tất cả dân làng xích lại gần nhau, gắn bó và đoàn kết với nhau. Già Rơ Mah Yơh cho biết: Cồng chiêng của người Ja Rai có từ lâu lắm rồi, người Ja Rai là phải có cồng chiêng để dịp lễ, dịp hội hay như mừng năm mới thì mang ra đánh. Ngày vui thì đánh bài vui, ngày buồn thì đánh bài buồn, ăn mừng chiến thắng cũng có. Đấy là bản sắc là niềm vui, niềm tự hào của bà con.


Già Yơh cho biết thêm đồng bào Ja Rai ở Ia O rất quý cồng chiêng. Từ xa xưa, gia đình nào càng có nhiều cồng chiêng thì gia đình đó càng giàu và hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng; nhà nào không có thì mắc cỡ với làng. Ở nhà già Yơh hiện vẫn còn hai bộ cồng chiêng. Trong đó, có một bộ chiêng Hoanh gồm 11 chiếc, và một bộ chiêng Pat, chỉ độc một cái. Đây là loại chiêng đặc biệt quý hiếm. Già Yơh phải lặn lội đến tận vùng người Mường sinh sống ở Thanh Hóa mua về từ 6 năm trước với giá 160 triệu đồng. Thời trước, một chiêng Pat phải đổi bằng 30 con trâu. Già Yơh tự hào trải qua bao năm thăng trầm, nhưng việc giữ gìn cồng chiêng luôn được các thế hệ người Ja Rai nơi đây chú trọng, nhất là những chiếc chiêng quý, chiêng cổ:  Vào thời chiến tranh, khi chạy giặc, nhà cửa, tài sản, lợn gà, trâu bò có thể để lại, nhưng cồng chiêng, nhất là chiêng Pat, chiêng Pom là những chiếc chiêng quý thì dân làng phải gùi theo, sống chết cũng phải mang theo. Vì giặc mà vào làng, cái gì nó cũng đốt, cồng chiêng nó cũng đốt. Hồi đó, nhiều nhà giấu cồng chiêng dưới hầm, giặc thấy, nó đốt hết. Tiếc lắm! về lại làng nhìn thấy chiêng bị đốt là muốn khóc. Cồng chiêng là tài sản của thế hệ ông bà để lại cho mình, mình cũng phải giữ lại cho con cháu, đời này sang đời khác.


Âm vang cồng chiêng đón chào xuân mới - ảnh 2


Từ xa xưa, tới thời già Yơh và cho tới thời nay, tình cảm với cồng chiêng của đồng bào người Ja Rai ở xã Ia O vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Cồng chiêng vẫn được dân làng coi là tài sản vô giá. Như gia đình anh Rơ Mah Hyiu, ở làng O, là thế hệ trẻ nhất của người Ja Rai ở xã Ia O được trao trọng trách giữ gìn cồng chiêng, thứ tài sản quý của nhiều đời trước để lại. Trông ngôi nhà của anh Hyiu không khang trang lắm nhưng gia đình anh vẫn được là “nhà giàu”, bởi  có tới 7 bộ cồng chiêng, trong đó có 2 bộ chiêng Pat đặc biệt quý hiếm. Bản thân anh Hyiu cũng ý thức rất rõ, những gì mình đang gìn giữ là báu vật: “Ngày xưa ông bà mình khó khăn lắm mới giữ được cồng chiêng để truyền lại cho thế hệ mình ngày nay. Nó là tài sản vô giá của dòng họ để truyền cho con cháu vì thế vợ chồng tôi phải hết sức giữ gìn. Nhiều người hỏi mua, trả hàng trăm triệu nhưng vợ chồng tôi quyết không bán, phải giữ gìn cho con cháu, giữ bản sắc người Ja Rai. Người Ja Rai có cồng chiêng là giàu và phải có cồng chiêng để mừng Tết, mừng lễ hội.

Ông Ksor Khiếu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia O tự hào : các thôn làng Ja Rai tại địa phương, dù không nhiều cà phê, hồ tiêu, cao su hay trâu bò hơn các thôn làng khác ở bắc Tây Nguyên, nhưng vẫn có thể coi là giàu có nhất, bởi bà con đang gìn giữ nhiều chiêng cổ, chiêng quý, và các giá trị văn hóa truyền thống khác. Toàn xã hiện có gần 600 bộ cồng chiêng cổ đang được gìn giữ tại 9 làng đồng bào Ja Rai. Trong xã hiện không còn hiện tượng “chảy máu” cồng chiêng, mà ngược lại, bà con còn đi tìm mua cồng chiêng ở nhiều nơi. Ông Khiếu khẳng định đó cũng chính là thành quả những của chính sách mà Đảng và Nhà nước quan tâm đến việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.


Trải qua bao đời, tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn không ngừng âm vang trong khắp các cuộc vui, buồn, lễ hội của người Ja Rai ở vùng biên ải Ia O. Với tình yêu mãnh liệt của cộng đồng dân tộc nơi đây, tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ còn vang mãi giữa núi rừng Tây Nguyên, để những buôn làng biên giới này mãi là những buôn làng giàu có cả về vật chất và tinh thần./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác