(VOV5) - Áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, được coi là trang phục truyền thống của Việt Nam, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể.
"Áo dài Việt Nam xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể" là khẳng định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo "Tham vấn về lấy ý kiến chuyên gia về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến Áo dài" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 10/12, tại Hà Nội.
Diễu hành tại Lễ hội Áo dài "Hương sắc Tràng An", sáng 29/11/2020, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. - Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, đây là hoạt động quan trọng, đưa ra những đề xuất để cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục vào cuộc nhằm tôn vinh Áo dài Việt Nam bằng giá trị pháp lý. Thời gian qua, Hội rất tích cực trong việc hoàn thiện các thủ tục để Áo dài được công nhận là di sản, tuy nhiên trách nhiệm việc này là thuộc Nhà nước.
Áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, được coi là trang phục truyền thống của Việt Nam, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể. Nếu như áo dài phụ nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch, thì áo dài nam lại mang nét trang trọng, nghiêm cẩn. Bên cạnh các giá trị truyền thống, cốt lõi, thì trang phục này, đặc biệt là áo dài phụ nữ đã luôn được sáng tạo, không ngừng biến đổi về kiểu dáng lẫn chất liệu, phụ kiện, bổ sung những giá trị mới phù hợp với xã hội.