(VOV5) - Bảo tàng là môi trường giáo dục phù hợp, đầy đủ điều kiện với mọi đối tượng, nhất là giới trẻ, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh, địa chỉ số 19 Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, là một trong những trung tâm lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh lớn nhất Việt Nam. Cùng với việc phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là nơi giáo dục, lan tỏa việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tới đông đảo người dân, du khách quốc tế.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, ngày 25/11/1970, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam) ra Nghị quyết thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Từ khi chính thức mở cửa đón khách tham quan ngày 19/5/1990, cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành điểm hẹn thân thiết, nơi hành hương của đồng bào, chiến sĩ cả nước, của bạn bè khắp năm châu mỗi khi đến Thủ đô Hà Nội.
Quang cảnh lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh.- Ảnh Ngọc Anh |
Hiện nay, Kho Cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ hơn 17.000 tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thư viện có khoảng 6.000 tên sách và lưu giữ hơn 26.000 bài, tin viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên các báo, tạp chí của Trung ương và các địa phương. Các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn không ngừng phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó: Nghiên cứu, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong 50 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức, phối hợp tổ chức hàng trăm hội thảo, tọa đàm khoa học, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp cơ sở. Sản phẩm thu được từ các hoạt động khoa học này có ý nghĩa thực tiễn, góp phần bổ sung, làm rõ những tư liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của dân tộc Việt Nam.”
Hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.- Ảnh Ngọc Anh |
Với đặc thù là nơi giữ gìn, nghiên cứu và giới thiệu di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, Bảo tàng Hồ Chí Minh góp phần tích cực tuyên truyền đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh đến với các tầng lớp nhân dân và khách quốc tế.
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khẳng định: “Trải qua 50 năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật, chuẩn bị nội dung, thiết kế mỹ thuật, tổ chức trưng bày, giới thiệu một cách toàn diện, chân thực và sinh động nhất tới đông đảo công chung trong và ngoài nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, khẳng định vai trò của một thiết chế văn hóa luôn đi đầu trong việc tuyên truyền và triển khai có hiệu quả cuộc vận động, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.”
Bảo tàng là môi trường giáo dục phù hợp, đầy đủ điều kiện với mọi đối tượng, nhất là giới trẻ, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh để việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người diễn ra một cách tự nhiên, không áp đặt khô cứng, tạo dấu ấn cảm xúc và có sức lan tỏa lớn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, một du khách Hà Nội tới tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh, cảm nhận: “Bảo tàng là một địa chỉ đỏ để các bạn trẻ tìm hiểu, học hỏi tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là nơi giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc của các thế hệ cha anh đi trước. Hàng ngày có rất đông các đoàn khách từ già tới trẻ đến tham quan, qua đó các bạn trẻ rút ra bài học noi theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đây là một trong những bảo tàng có các hiện vật đầy đủ nhất về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, có nhiều hiện vật quý báu về Chủ tịch Hồ Chí Minh để các thế hệ đến tìm hiểu, học hỏi.”
Đồng thời với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác phát huy di sản Hồ Chí Minh ở nước ngoài. Gần đây, Bảo tàng Hồ Chí Minh không ngừng củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại với nhiều bảo tàng, tổ chức trên thế giới như: Nga, Trung Quốc, Lào, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel … để phối hợp nghiên cứu và bảo tồn các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và hoạt động cách mạng; giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Người với bạn bè quốc tế.
50 năm qua, trong đó có 30 năm chính thức mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón hơn 30 triệu lượt khách, trong đó có gần 7 triệu lượt khách quốc tế. Nhiều nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao của các quốc gia và tổ chức quốc tế đã đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những dòng lưu niệm của du khách trong và ngoài nước còn lưu lại trong các cuốn sổ ghi cảm tưởng nói lên lòng kính trọng và cảm phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.