(VOV5) - Để tạo thuận lợi cho công tác truyền dạy, thực hành di sản hát Xoan, tỉnh Phú Thọ đã phục hồi, tu bổ không gian hát Xoan, hoàn thiện thiết chế không gian văn hóa phục vụ thực hành di sản.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Ngày 8/12/2017, hát Xoan Phú Thọ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hành trình 6 năm từ di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp đến di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã minh chứng những nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản Hát Xoan của chính quyền và người dân nơi đây.
Cùng với niềm tự hào khi Hát Xoan trở thành di sản văn hóa đại diện của nhân loại, trách nhiệm tiếp tục bảo tồn, phát huy di sản quý báu này vẫn luôn được chính quyền và người dân địa phương quan tâm thực hiện.
Trình diễn Hát Xoan Phú Thọ. Ảnh: baochinhphu.vn |
Trong ngôi nhà nhỏ đã bao đời nay gắn bó với câu ca di sản, các nghệ nhân cao tuổi ở phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đang truyền dạy hát Xoan cho thế hệ trẻ. Sinh ra ở cái nôi hát Xoan, lại có ông nội, bà ngoại và mẹ đều gắn bó với hát Xoan, nên ngay từ nhỏ, 2 anh em Bùi Việt Hào và Bùi Như Quỳnh đã quen với Hát Xoan từ những buổi theo ông bà, theo mẹ đi tập luyện, biểu diễn. Cứ thế, hát Xoan ngấm dần, nhen nhóm lên tình yêu và đam mê trong các em.
"Con học hát Xoan từ 5 tuổi, con được truyền cảm hứng từ ông bà, mẹ. Con rất thích hát Xoan, được đi biểu diễn nhiều nơi cho nhiều người xem. Con rất mong muốn được gìn giữ, bảo tồn môn nghệ thuật này." "Ở nhà con có mẹ, ông bà và cả anh con đều tham gia vào phường hát Xoan. Con cũng rất yêu thích hát Xoan."
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan, tỉnh Phú Thọ quan tâm hàng đầu đến việc truyền dạy và thực hành di sản. Đến nay, tỉnh đã đào tạo được hơn 100 nghệ nhân kế cận, có khả năng thực hành, truyền dạy Hát Xoan. Ở các làng Xoan cổ đã hình thành ba thế hệ Hát Xoan là các nghệ nhân cao niên, các nghệ nhân kế cận và đông đảo lớp trẻ đầy triển vọng. Năm ngoái, Phú Thọ đã có thêm 13 nghệ nhân hát Xoan được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Biên chia sẻ: "Cảm giác không tả nổi, nó vui sướng, mừng rỡ, không chỉ mình mà mọi người trong phường xoan cũng rất mừng vì được Đảng và nhà nước quan tâm". Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Lương, phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, Thành phố Việt Trì nói: "Chúng tôi đã được công nhân là Nghệ nhân hát Xoan, chính vì vậy phải quyết tâm truyền dạy, giữ gìn không bao giờ để cho di sản này mất đi."
Tỉnh Phú Thọ đã đưa Hát Xoan về cộng đồng để phát huy vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ câu hát có từ thời Hùng Vương. Từ các phường Xoan gốc, khúc hát môn Đình lan tỏa khắp 13 huyện, thị, thành. Hiện đã có 34 câu lạc bộ cấp tỉnh với trên 1.500 người tham gia thực hành Hát Xoan, tăng 23 lần so với thời điểm trước khi Hát Xoan được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011. Hát Xoan còn được thực hành ở 64 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp huyện và 42 câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca cấp xã với hàng chục ngàn người tham gia.
Bà Phạm Thị Bích, Câu lạc bộ hát Xoan Hội Người cao tuổi xã Minh Đài, Tân Sơn, Phú Thọ, cho biết: "Khi chưa tham gia vào Câu lạc bộ hát Xoan, thì hát Xoan là một cái gì đấy mà mình cũng chưa hiểu, chưa biết được cái hay, cái đẹp trong Hát Xoan. Khi là thành viên của Câu lạc bộ hát Xoan, mình thấy lời ca tiếng hát thấm đậm tính nhân văn và miêu tả được cuộc sống, sản xuất, mô phỏng cuộc sống hằng ngày của người dân của thời Đại Hùng Vương. Từ đó đến nay, Hát Xoan đã giữ được truyền thống để mà chúng ta nâng niu trân trọng."
Để hát Xoan đến gần hơn với thế hệ trẻ, tỉnh Phú Thọ đã duy trì tốt phong trào hát Xoan trong các trường học. Không chỉ đưa hát Xoan vào nhà trường thông qua các giờ học Âm nhạc cùng các hoạt động ngoại khóa, tỉnh còn tổ chức các hội thi, hội diễn. Em Nguyễn Châu Anh Trường Tiểu học Gia Cẩm, Thành phố Việt Trì, kể: "Lúc đầu thì con cảm thấy rất khó, vì chúng con cũng không hiểu được ý nghĩa của những bài hát Xoan nhưng mỗi ngày, vào những giờ hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc là trong câu lạc bộ Hát Xoan, chúng con đều được học và làm quen với những bài hát xoan."
Cô giáo Bùi Thị Tuyết Mai cho biết: "Truyền dạy Hát Xoan đã được đưa vào các tài liệu giáo dục địa phương để tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018. Tôi mong rằng với những làn điệu Xoan cổ không những duy trì, bảo tồn mà còn được phát huy giá trị ở các trường học trong toàn tỉnh."
Để tạo thuận lợi cho công tác truyền dạy, thực hành di sản hát Xoan, tỉnh Phú Thọ đã phục hồi, tu bổ không gian hát Xoan, hoàn thiện thiết chế không gian văn hóa phục vụ thực hành di sản. 100% di tích đình, miếu gắn với Hát Xoan đã được phục hồi. Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Xoan là gắn với phát triển du lịch, đưa hát Xoan thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Ảnh: quochoi.vn |
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, cho biết:"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện Đề án bảo tồn hát xoan của tỉnh Phú Thọ, trong đó tập trung vào các lĩnh vực cơ bản, như: tiếp tục hoàn thiện không gian bảo tồn di sản văn hóa; tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền dạy. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tư liệu hóa để phục hồi các nghi thức, tập tục liên quan đến Hát Xoan, hoàn thiện những nội dung liên quan đến các ấn phẩm Hát Xoan. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tổ chức ký âm hoàn thiện toàn bộ tư liệu, bài Hát Xoan, bằng bản ghi âm để làm tư liệu tuyên truyền, đồng thời là các tư liệu giảng dạy trong nhà trường."
Nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản hát Xoan gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được tỉnh Phú Thọ triển khai có hiệu quả trong những năm qua. Từ nơi những sân đình cổ kính, ngày nay, Hát Xoan đã và đang vang vọng khắp nơi trên vùng Đất Tổ, gắn kết cộng đồng và lan tỏa, nhân lên những nét đẹp của loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc Việt Nam.