(VOV5) - Không chỉ mang lại niềm tin tưởng, kiêu hãnh, tự hào cho quân và dân ta, “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” còn là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác của các nghệ sỹ.
Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm năm 1972, dày đặc lưới lửa phòng không - không quân của chúng ta đã đánh bại chiến dịch Linebacker 2 với những cuộc tập kích cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.
Không chỉ mang lại niềm tin tưởng, kiêu hãnh, tự hào cho quân và dân ta, “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” còn là nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác của các nghệ sỹ.
Tự vệ Nhà máy in Tiến Bộ luyện tập sẵn sàng chiến đấu (1972) (Ảnh: TTXVN). |
Đã ngoài 90 tuổi nhưng họa sỹ Ngọc Linh không quên giây phút được chứng kiến B52 -vũ khí tối tân của đế quốc Mỹ thời bấy giờ, bị bộ đội ta bắn rơi trên đường phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Niềm tự hào đã thôi thúc ông vẽ bức tranh sơn dầu B52 rơi, cỡ lớn. Đây là bức tranh đầu tiên vẽ về chiến thắng B52. Hiện bức tranh được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia và xuất hiện trong nhiều cuộc trưng bày.
Họa sỹ Ngọc Linh nhớ lại: "Tôi được chứng kiến khi tôi đang làm phim ở số 4 Thụy Khê. Khi tôi đứng ở nóc nhà thủy phi cơ của xưởng phim truyện, thì quân ta bắn rơi luôn máy bay ở đường Hoàng Hoa Thám. Sáng hôm sau tôi vẽ tranh sơn dầu lớn. Lúc đó, máy bay B52 còn có chữ USA, nó rơi cả đuôi nó còn bánh xe nữa. Tôi vẽ để ghi dấu ấn lần đầu tiên mình được nhìn thấy máy bay B52 rơi tan xác. Tôi thấy rất tự hào bởi vì bộ đội cụ Hồ giỏi quá".
Những con rồng lửa dũng mãnh của lưới lửa phòng không, không quân trên bầu trời Thủ đô đã đánh lại và đánh thắng các cuộc tập kích dày đặc với quy mô tham gia hàng trăm lượt máy bay Mỹ mỗi đêm đã trở thành tứ thơ, giai điệu nhạc vượt thời gian. Đó là “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của nhạc sỹ Phan Nhân, “Phi đội ta xuất kích” Nghệ sỹ nhân dân Tường Vi, “Hà Nội những đêm không ngủ”, hay “Hà Nội Điện Biên phủ trên không” nhạc sỹ Phạm Tuyên, “Cánh cụt, cánh què” nhạc sỹ Dân Huyền, “Không quân ta ra đi”, nhạc sỹ Triều Dâng hay “Tên lửa ta đánh rất hay” của nhạc sỹ Huy Thục. Trong đó chất chứa biết bao tự hào, tin yêu, gửi gắm, như tâm sự của nhạc sỹ Huy Thục.
Nhạc sỹ Huy Thục nói: “Sáng 27, máy bay ném bom ở Khâm Thiên, sau đó thì tôi viết "Tên lửa ta đánh rất hay". Tôi cũng nói đến cái đau của Mỹ là bởi vì trên thế giới này không dám ai đánh pháo đài bay của Mỹ mà chỉ có tên lửa Việt Nam, cho nên trong này có câu: 'Quật cổ bọn pháo đài bay ngay giữa Thủ đô'".
Đến mãi sau này những suy tư, chiêm nghiệm về 12 ngày đêm ấy vẫn là nguồn cảm hứng, nỗi trăn trở in dấu trong tác phẩm của nhiều nghệ sỹ.
Đến mãi sau này, Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn là nguồn cảm hứng trong các tác phẩm của nhiều nghệ sỹ. Bài hát “Em ơi – Hà Nội phố” được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc dựa vào lời thơ của Phan Vũ năm 1986, cũng từ những xúc cảm của những ngày tháng 12/1972. Nhạc sỹ Phú Quang, là một người dân phố Khâm Thiên - nơi ghi dấu tội ác mùa đông năm 1972, lúc sinh thời đã kể: “Cạnh nhà tôi, nhà của ông cắt tóc, ông ấy là tổ trưởng dân phố, 26 người trong nhà ông ấy chết hết, chỉ còn mỗi bà mẹ năm đó đã 73 tuổi thì bà ấy cầm 1 hòn gạch vỡ, bà ấy cứ nhìn tất cả mọi người mang xác con cháu từ trong nhà ra, mà bà ấy không khóc, bà ấy đứng như một pho tượng, không có đau đớn nào hơn như thế, góc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông là tất cả những hình ảnh lấy từ bà cụ mà bà đứng bất động.”
"Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" năm 1972 qua cảm nhận của các nghệ sỹ đã được nhân lên, nhanh chóng lan tỏa, góp phần cổ vũ quyết tâm của quân và dân ta trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc