Con ngựa trong đời sống người vùng cao

(VOV5) - Những con ngựa cần mẫn theo chân người xuống núi mang hàng hóa về các phiên chợ. Cũng chính con ngựa ấy trong mùa xuân sẽ rong ruổi cùng các chàng trai trên hành trình tìm bạn đời. Rồi một ngày lặng lẽ đưa chủ nhân say mèn về nhà sau những lễ hội… Đó là một trong những hình ảnh rất đặc trưng của vùng cao Tây Bắc. Ngựa đối với người vùng cao không đơn thuần chỉ là một loài vật nuôi mà đó thực sự là một người bạn lớn.

Con ngựa trong đời sống người vùng cao - ảnh 1
Ảnh: Báo Hà Giang

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Dù cuộc sống đã khá giả hơn trước, gia đình mua được những hai chiếc xe máy nhưng anh Giàng A Trang vẫn thường xuống chợ trên lưng ngựa. Hơn 40 cây số từ xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu về chợ Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) anh cưỡi ngựa mất hơn một tiếng đồng hồ, chẳng chậm hơn chiếc xe máy bốc khói mù mịt là bao. Ngày trước, gia đình anh Trang có đàn ngựa hàng chục con, còn hiện tại, anh Trang chỉ giữ lại 5 con. Một con đẹp nhất thì làm phương tiện đi lại, các con khác thì dùng chở hàng. Anh Trang cho biết ngựa có một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của đồng bào H’Mông. Khi săn bắn, lúc thu hái, khi đi chơi… lúc nào cũng có ngựa bên cạnh. Bây giờ xe máy nhiều nhưng chẳng xe nào đi được trên những con đường mòn ngoằn ngoèo lưng chừng núi. Không xe nào đi được vào hang sâu, chẳng xe nào lội được suối, cũng chẳng xe nào trở được chủ nhân đã say về tới tận nhà. Ngựa thì làm được tất thảy. Người H’Mông dẻo dai, chăm chỉ bao nhiêu thì những con ngựa của họ cũng cần mẫn như thế. Ngựa chẳng chùn chân dưới những dãy đá tai mèo, không chùn bước trước đường dài vạn dặm. Anh Trang nói: “Con ngựa như một chủ nhân trong gia đình. Thồ thóc, thồ ngô trên nương về, rồi mang hàng về chợ bán. Khi đi đâu thì con ngựa trở thành phương tiện đi lại…”

 Cuộc sống bây giờ đã hiện đại với đủ các phương tiện máy móc, nhưng hầu như hộ người H’Mông nào cũng cố nuôi giữ một vài con ngựa. Vừa là phục vụ việc đi lại, chuyên trở, vừa như giữ lại những ký ức đẹp một thời về người và ngựa lúc nào cũng bên nhau. Khi ấy, ngựa không chỉ gắn bó với người H’Mông trong lao động, sản xuất, nó còn là nhân vật của nhiều trò chơi, lễ hội dân gian, trong đó, trò đua ngựa của đồng bào Mông cuốn hút nhiều người hơn cả. Đua ngựa biểu hiện của tinh thần phóng khoáng, dũng cảm và mãnh liệt của người vùng cao. Ông Giàng A Lềnh ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải nhớ về những tháng ngày trai trẻ được tham gia các hội đua ngựa với một sự tiếc nuối: “Thắng và thua chúng tôi không để ý nhiều đâu, được cưỡi trên nhưng con ngựa do chính mình chăm sóc, được đua ngựa giữa hàng ngàn con mắt đã là một niềm vui lớn rồi. Ai cũng chăm chút ngựa, cứ mùa xuân là trai các bản hào hứng đưa ngựa xuống núi dự hội”.

Với đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Tày ở Tây Bắc, con ngựa cũng là vật nuôi không thể thiếu trong nhà. Từ xa xưa, việc đi săn, đi hái lượm trong rừng là việc thường ngày của đồng bào. Và chẳng có gì tiện lợi hơn khi được ngồi trên những con ngựa cường tráng vượt núi, vượt khe, qua suối để vào rừng. Ngồi trên yên ngựa, các chàng trai thỏa sức đuổi theo các con thú thể hiện tài năng săn bắn của mình. Rồi ngựa cũng là phương tiện để các chàng trai đi hỏi vợ, đưa vợ con về thăm mẹ cha… Bao đồ đạc cồng kềnh, nặng nề ngựa cũng kham cả. Ngựa quan trọng là vậy nên các chàng trai chăm ngựa còn hơn chăm sóc bản thân mình. Chàng nào có ngựa đẹp thì sẽ gây được ấn tượng và sự chú ý trước các cô gái... Bây giờ, thú cưỡi ngựa năm nào đã mai một do ảnh hưởng của nhịp sống hiện đại nhưng trong các bản làng người Thái, người Mường ở lòng chào Mường Lò (Yên Bái) vẫn còn rất nhiều ngựa. Bà con nuôi ngựa để vận chuyển hàng hóa lên vùng cao bán hàng, rồi mua thêm xe cho ngựa kéo vào phố. Ở Nghĩa Lộ và một số huyện của tỉnh Yên Bái, có những đội xe ngựa rất chuyên nghiệp, phục vụ việc vận chuyển của nhân dân trong vùng với giá cả hết sức phải chăng…Ông Hà Văn Ồn, ở xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn nói về tình cảm của mình với những con ngựa: “Từ khi sinh ra đã thấy con ngựa rồi. Lớn lên cũng rong ruổi khắp nơi với ngựa. Bây giờ già rồi không cưỡi được ngựa nữa, cũng không chăm sóc được đàn ngựa nhưng tôi nhất quyết bán đi. Bán chúng đi khác nào tôi bán đi những người bạn”. 

Trước đây, khi ngựa còn là phương tiện giao thông chủ yếu, người ta kháo nhau rằng, thanh niên đi chợ chọn ngựa kỹ như đi chọn vợ vậy. Bây giờ dẫu chẳng chọn ngựa kỹ như các chàng trai thuở nào, nhưng để có được con ngựa tốt, đồng bào vùng cao vẫn chẳng ngại đường xa, cứ vào dịp chợ ngựa mở, dù là tận Bắc Hà hay Si Ma Cai, vẫn gắng đi tới tận nơi để chọn được con ngựa ưng ý cho mình./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác