(VOV5) - Buổi công chiếu tác phẩm kịch kinh điển của Pháp Cyrano de Bergerac của nhà soạn kịch Edmond Rostand, diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp, Hà Nội vào 7/10 tới.
Vở kịch do Denis Podalydès biên đạo, với dàn diễn viên từ nhà hát kịch danh tiếng nhất nước Pháp La Comédie-Française.
Đối với những kẻ ngoại đạo, La Comédie-Française - cái tên được đặt cho nhà hát kịch danh tiếng nhất nước Pháp dường như vẫn luôn ẩn chứa những điều thú vị. Được thành lập vào năm 1680 bởi vị vua « Mặt trời » nổi tiếng Louis XIV, Comédie-Française còn được biết đến với tên gọi « Ngôi nhà Molière » - nhằm tưởng nhớ tới cha đẻ của nghệ thuật kịch. Với mọi thế hệ khán giả mộ điệu, được đặt chân vào nhà hát Comédie-Française để thưởng thức các tác phẩm kịch kinh điển nhất là một trải nghiệm thực sự khó quên. Nhằm đưa những vở diễn tại thánh đường kịch nghệ đến với đông đảo khán giả, dự án ghi hình trực tiếp và công chiếu các tác phẩm trên màn ảnh rộng đã được thực hiện và Cyrano de Bergerac sẽ là vở diễn khép màn cho mùa đầu tiên.
Như một cái nháy mắt định mệnh của Molière với Edmond Rostand, vào năm 2007, chỉ một năm sau màn công diễn ra mắt, Cyrano de Bergerac ẵm về 6 giải Molière – giải thưởng danh giá tương đương với Oscars trong lĩnh vực kịch nghệ tại Pháp. Sáu giải thưởng Molière là một vinh dự lớn lao và đáng mơ ước của bất kỳ đạo diễn kịch nào, đặc biệt khi đây là tác phẩm dàn dựng đầu tiên trong sự nghiệp của Denis Podalydès, người đã không ngần ngại giao vai chính Cyrano cho người bạn của mình, diễn viên tài năng Michel Vuillermoz. Đạo diễn khẳng định : « Cyrano là một ước mơ về kịch nghệ trọn vẹn, một sự kết hợp hoàn hảo của các thể loại : opéra-bouffe, bi kịch, hài kịch lãng mạn, thơ tượng trưng, hài kịch theo phong cách Molière ».
Thành công của Cyrano đã thể hiện rõ nét tài năng của Denis Podalydès, một nghệ sỹ đa năng : diễn viên điện ảnh, đạo diễn, biên kịch, nhà văn kiêm thành viên của nhà hát kịch Pháp Comédie-Française. Anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng lớn trong sự nghiệp của mình : giải Ngôi sao vàng với vai nam chính trong bộ phim Dieu seul me voit và giải Molière với tác phẩm Le Revizor. Podalydès đã nhiều lần được vinh danh ở lễ trao giải Césars, được coi như Oscars của điện ảnh Pháp trong các hạng mục : diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 2003, diễn viên nam chính xuất sắc nhất năm 2012 và kịch bản xuất sắc nhất năm 2013.
Cyrano de Bergerac kể về mối tình tay ba giữa chàng Cyrano, nàng Roxane xinh đẹp (đồng thời là em họ của Cyrano) và Christian de Neuvillette. Câu chuyện bắt đầu với nhà thơ, chàng kiếm sĩ tài ba Cyrano, yêu say đắm nàng Roxane nhưng lại tự ti vì chiếc mũi quá khổ. Khi bị Valvert, con trai của bá tước Guiche, người đã được đính ước với Roxane, chế nhạo vì vẻ ngoài xấu xí, chàng thi sĩ Cyrano đã đáp trả lại bằng những lời thơ trước khi cho anh ta đo ván dưới lưỡi gươm của mình. Ngay từ phút đầu gặp gỡ, Cyrano đã phải lòng nàng Roxane xinh đẹp nhưng qua lời thổ lộ của nàng, chàng biết được trái tim yếu đuối bé nhỏ ấy chỉ dành cho Christian, một tên ngốc, đẹp mã mà rỗng tuếch. Vậy nhưng Cyrano vẫn quyết định dùng ngòi bút của mình để giúp Christian chinh phục được trái tim người thiếu nữ trong mộng ấy…
Cho dù tình yêu, sự tuyệt vọng và nỗi đau khổ là những cảm xúc chủ đạo dẫn dắt vở kịch, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng Cyrano làm thức tỉnh trong mỗi người vẻ đẹp của tình yêu, lòng nhiệt thành và cả những đắm say được nảy mầm từ đó. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà tác phẩm trở nên vĩnh cửu.
Vẻ đẹp của vở diễn còn ẩn giấu trong những bộ trang phục đặc sắc được thiết kế bởi Christian Lacroix và đặc biệt là ở những bài trí sân khấu lộng lẫy, đầy uy nghiêm của Eric Ruf – có lẽ là một trong số những sắp đặt ấn tượng nhất trong lịch sử nhà hát kịch Comédie-Française. Không thể không nhắc tới những cảnh quay ấn tượng như hình ảnh của những ban công, chuyến du hành kỳ thú tới Mặt trăng, trận chiến Arras với chân trời xanh thẳm. Và, chất nghệ thuật « thuần túy » của vở kịch còn được phô bày với những nỗi đau, cái chết, được minh họa bởi hình ảnh những mẩu giấy đỏ bay lở lửng khắp khán phòng...
Khi được hỏi về vở kịch, Jacqueline Razgonnikoff, nhà nghiên cứu lịch sử kịch nghệ chia sẻ : « Chúng ta đang sống trong thời đại mà con người luôn cần có những liều thuốc bổ. Và chính vở kịch này đã mang đến một nguồn sinh lực dồi dào và chúng ta rời khỏi khán phòng với tâm trạng nhẹ nhàng, đầy thư thái ngay cả khi nó khiến ta rơi lệ ở hồi cuối. Chúng ta xúc động, cho dù luôn tự nhủ : « Rostand sẽ còn luôn sống mãi ». Khán giả cần điều đó, bởi vậy mà vở kịch luôn nhận được những thành công vang dội đến thế. » (theo Le Figaro)