Công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại Long An

(VOV5) -Vở diễn khắc họa rõ nét chân dung, cuộc đời của Nhạc sư Nguyễn Quang Đại - người đã có công truyền bá nền nghệ thuật Sân khấu Cải lương Nam Bộ.


Sau buổi công diễn đầu tiên mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả TPHCM vào tối qua (28/4), vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tiếp tục buổi công diễn thứ 2 vào tối nay (29/4) tại Nhà hát Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An ở thành phố Tân An, tỉnh Long An.  

Công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại Long An - ảnh 1
Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình và ông Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đến dự buổi công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại Long An.


Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Mai Văn Chính, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Lê Hồng Quang, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Phạm Văn Rạnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Quân khu 7; lãnh đạo tỉnh Long An qua các thời kỳ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị, thành phố, các Câu lạc bộ Đờn Ca tài tử, cùng đông đảo nhân dân tỉnh Long An. 

Công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại Long An - ảnh 2
Lãnh đạo tỉnh Long An cùng đông đảo khán giả đến xem vở cải lương Thầy Ba Đợi.


Long An là nơi Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại, còn có tên dân gian là Ba Đợi, đến sinh sống và truyền bá, sáng tạo để nền âm nhạc tài tử ở Nam Bộ phát triển, sau này là Nghệ thuật Sân khấu Cải lương. Và Long An cũng là nơi đang thờ cúng linh vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại tại Đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước - nơi cư ngụ, sinh sống của nhạc sư Nguyễn Quang Đại khi đến Long An.

Với Kịch bản văn học của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, được Soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên và Lê Trung Thảo đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu chỉ đạo nghệ thuật, vở cải lương "Thầy Ba Đợi" ra đời nhằm tôn vinh công trạng của bậc tiền nhân đã lưu giữ, bảo tồn và phát triển di sản quý báu của cha ông, được tích tụ từ lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Đây cũng là công trình nghệ thuật kỷ niệm “Một thế kỷ hình thành và phát triển của Nghệ thuật Sân khấu Cải lương Việt Nam”.

Công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại Long An - ảnh 3
Thầy Ba Đợi nổ lực truyền nghề cho thế hệ sau.


Vở Cải lương “Thầy Ba Đợi” là câu chuyện khắc họa rõ nét chân dung về cuộc đời đầy sóng gió của Thầy Ba Đợi, có sự tham gia diễn xuất của hơn 60 nghệ sĩ tài danh đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Đoàn nghệ thuật cải lương Long An như: NSND Vương Hà, NSND Hoàng Đạt, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Quế Trân, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hồ Ngọc Trinh…

Công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại Long An - ảnh 4
Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cùng một số đơn vị ủng hộ số tiền tu bổ Di tích lịch sử Đình Vạn Phước, nơi thờ cúng linh vị nghệ nhân Nguyễn Quang Đại.


Tại đêm diễn, ông Biện Hữu Hùng Dũng, Trưởng đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An cho biết, không khí trước buổi diễn chính thức qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh - Truyền hình, những băng rôn biểu ngữ…khiến nhân dân cũng rất là háo hức, mong chờ".

 “Việc công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại Long An là niềm hãnh diện đối với người dân ở Long An nói riêng và tất cả những người đam mê nghệ thuật cải lương nói chung”, ông Dũng chia sẻ.

Công diễn vở cải lương “Thầy Ba Đợi” tại Long An - ảnh 5
Đại diện lãnh đạo tỉnh Long An lên tặng hoa.


 Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ 1 tỷ đồng; ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương vận động ủng hộ 500 triệu đồng; Tập đoàn Cao su Việt Nam ủng hộ 300 triệu đồng dành để tôn tạo, tu bổ Di tích lịch sử Đình Vạn Phước tại xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An - nơi thờ cúng lịch vị nhạc sư Nguyễn Quang Đại./.


Phản hồi

Các tin/bài khác